Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Hạn chế những ảnh hưởng của thiết bị điện tử đối với trẻ em

18:57, 02/06/2024

Theo kết quả khảo sát của Google vào năm 2022, độ tuổi trung bình mà trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại là 9, còn trên thế giới là 13. Trong khi đó, khoảng 13 tuổi, trẻ mới bắt đầu tiếp cận những nội dung, hướng dẫn về an toàn trên không gian mạng. Không phủ nhận những lợi ích khi trẻ tiếp cận với nhiều những chương trình hấp dẫn, song để trẻ tự do sử dụng, không quản lý về thời gian, thậm chí lợi dụng các thiết bị điện tử để trẻ ăn uống, trẻ vui chơi đang dẫn đến nhiều hệ lụy trong quá trình hình thành, phát triển cả về thể chất lẫn nhận thức của trẻ em.

Trẻ thờ ơ, không mấy quan tâm đến sự việc, hiện tượng xảy ra xung quanh
Không khó để bắt gặp những hình ảnh trẻ em hiện nay ăn uống nhờ điện thoại, chơi cùng điện thoại, thậm chí ngủ cạnh điện thoại. Thế giới dường như thu nhỏ lại chỉ trong màn hình ti vi, điện thoại, máy tính. Trẻ thờ ơ, không mấy quan tâm đến sự việc, hiện tượng xảy ra xung quanh. Và cũng không khó để chứng kiến trong căn nhà ấm cúng, đủ đầy nhưng bố mải mê đọc báo, lướt mạng, nghe nhạc, xem phim, xử lý công việc trên điện thoại, máy tính; mẹ thỏa sức mua sắm, bận rộn với các nhóm bạn bè, chăm sóc sắc đẹp, mua sắm…và để mặc con cái chơi cùng chiếc điện thoại, máy tính bảng hay ti vi kết nối internet.
Nhiều bậc phụ huynh cũng ngụy biện cho lý do bận rộn công việc nên chưa quản lý, giám sát việc sử dụng các thiết bị điện tử của trẻ nhỏ

Nhờ điện thoại, máy tính, ti vi, trẻ ăn uống dễ dàng hơn; trẻ có thể ngồi yên tại chỗ để tránh sơ xảy khi chạy nhảy, vận động. Nhiều bậc phụ huynh cũng ngụy biện cho lý do bận rộn công việc nên chưa quản lý, giám sát việc sử dụng các thiết bị điện tử của trẻ nhỏ. Và phổ biến ở nhiều địa phương hiện nay còn là tình trạng bố, mẹ đi làm ăn xa nhà, trang bị điện thoại cho con và phó mặc việc chăm sóc, quản lý cho ông bà, người thân.

Nhờ điện thoại trẻ ăn uống dễ dàng hơn; trẻ có thể ngồi yên tại chỗ để tránh sơ xảy khi chạy nhảy, vận động

Tháng 6/2021, Chính phủ phê duyệt chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, giai đoạn 2021-2025". Các cấp, các ngành bằng các hoạt động thiết thực và cụ thể để triển khai chương trình của Chính phủ trong các cơ sở giáo dục, hoạt động của tổ chức đoàn thanh niên và sự tham gia tích cực của các tổ chức phi chính phủ.

Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động bổ ích vào dịp nghỉ hè

Vấn đề quan trọng nhất để hạn chế những ảnh hưởng của Internet, thiết bị điện tử đối với trẻ xuất phát từ phụ huynh. Sự quan tâm, lắng nghe, đồng hành cùng trẻ, giúp trẻ có kiến thức, kỹ năng để sử dụng an toàn, khoa học. Tuyệt đối tránh thái độ "người chỉ đạo", "Chối bỏ Internet, cấm đoán, không cho trẻ em tiếp cận”. Bố mẹ cần bảo vệ, hỗ trợ, ở phía sau giúp các em phát triển lành mạnh trên môi trường số. Và việc khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động bổ ích vào dịp nghỉ hè như các khóa trải nghiệm giáo dục kỹ năng sống, chơi các bộ môn thể thao, dành thời gian cho trẻ không chỉ là giải pháp mà còn là mong mỏi của nhiều trẻ em./.

Hương Giang- Văn Bính


Ý kiến bạn đọc