Trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhiều thầy cô giáo nơi biên giới Sơn Vĩ huyện Mèo Vạc đã nhường nhà công vụ giáo viên để nhà trường có thêm phòng học giúp con em đồng bào các dân tộc thiểu số yên tâm bám lớp, bám trường. Không chỉ lan tỏa hành động đẹp trong cộng đồng, mà đây còn là điểm tựa, tiếp bước cho các em nhỏ vùng sâu, vùng xa vưỡng bước trên con đường tìm con chữ.
Dãy nhà công vụ giáo viên được nâng cấp thành lớp học khang trang tại Trường PTDTBT Tiểu học xã Sơn Vĩ |
Đóng chân ở địa bàn biên giới cách xa trung tâm huyện Mèo Vạc, Trường PTDTBT Tiểu học Sơn Vĩ nằm trong thung lũng thôn Lũng Làn, xã Sơn Vĩ tiếp giáp với khu tự dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Năm học 2024-2025 nhà trường có gần 1.300 em học sinh là con em đồng bào Mông, Nùng, Xuồng...trong đó có hơn 600 học sinh trực tiếp ở bán trú. Với số lượng học sinh bán trú đông đảo, trong khi đó diện tích nhà trường thì chật trội nên nhiều năm nay việc bố trí lớp học gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Tuy đã cố gắng sắp xếp phòng học lẫn bố trí học theo ca, nhưng công tác giảng dạy ở nơi đây vân còn nhiều hạn chế cần được khắc phục. Được biết, năm học này trường PTDTBT Tiểu học Sơn Vĩ có 658 em học sinh bán trú, tăng 88 em so với năm học trước 2023-2024.
Các em học sinh có thêm lớp học yên tâm bám lớp, bám trường |
Thầy giáo Nguyễn Hải Hà, Hiệu trường Trường PTDTBT Tiểu học Sơn Vĩ cho biết: Trước tình hình trên, trước thềm năm học mới 2024-2025 sau khi vận động, kêu gọi nhà trường được các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, tu sửa dãy nhà công vụ cấp IV của giáo viên đã xuống cấp thành 03 phòng học và 01 phòng lưu trú kiên cố hơn. Được biết, dãy nhà công vụ cũ có 12 phòng ở là nơi sinh hoạt, ngủ nghỉ của gần 20 giáo viên của nhà trường nhiều năm nay. Sau khi nhà trường có chủ trương nhường khu nhà để xây dựng phòng học, tất cả các đồng chí giáo viên đều đồng tình ủng hộ chuyển ra ngoài ở trọ.
Mặc dù đa số thầy cô giáo cũng có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, xa gia đình xa người thân bám trụ nơi miền biên viễn. Tuy nhiên với tình yêu thương vô bờ bến đối với các em nhỏ nơi đây, các thầy cô đã chấp nhận nhường lại không gian nhỏ hẹp gắn bó nhiều năm mà nhà trường bố trí ở để các em ở thôn, bản được đưa trường chính học tập. Với nhiều cán bộ giáo viên, cho dù khó khăn vất vả về cơ sở vật chất có như thế nào đi chăng nữa thì việc ổn định học sinh vẫn là ưu tiên hàng đầu. Cô giáo Trần Thị Huyên, người đã có hơn 13 năm gắn bó với Trường PTDTBT Tiểu học Sơn Vĩ chia sẻ: Tôi cũng hoàn toàn ủng hộ khi nhà trường nâng cấp dãy nhà công vụ đó để làm phòng học cho các em ở điểm trường lẻ lên học ở trường chính. Mặc dù ra ngoài ở trọ hàng tháng phải mất thêm 1-2 triệu đồng chi phí sinh hoạt, nhưng các em có thêm phòng học thì bản thân tôi cũng rất phấn khởi. Vì con em đồng bào còn nhiều khó khăn, vất vả quá, chúng tôi cũng mong muốn học sinh sẽ nỗ lực cố gắng học tập thật tốt để sau này trở thành người có ích cho xã hội.
Được biết, theo thống kê hiện nay, toàn huyện Mèo Vạc có 53 đơn vị trường học trong đó 32 trường bán trú. Theo thống kê các đơn vị trường học còn thiếu 77 phòng học, 78 phòng lưu trú học sinh, 65 phòng lưu trú giáo viên và nhiều công trình phụ trợ khác. Việc thiếu thốn cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ giáo dục đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giáo dục ở địa phương.
Bỏ qua những thiệt thòi của hiện tại, những người giáo viên vùng cao, bám bản vẫn luôn vượt lên những khó khăn, vất vả hàng ngày. Họ vẫn âm thầm lặng lẽ hy sinh tuổi thanh xuân nỗ lực cố gắng “gieo chữ”, “trồng người”, để mỗi cột mốc sống nơi biên cương tổ quốc yên tâm học tập sau này có một tương lai tươi sáng hơn. Những nhà giáo nhân dân công tác ở vùng đặc biệt khó khăn như ở Sơn Vĩ mong muốn đảng, nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư thêm cơ sở vật chất, hạ tầng để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục nơi vùng khó.
Bài, ảnh: Minh Đức (Mèo Vạc)
Ý kiến bạn đọc