Nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Lô Lô gắn phát triển du lịch. Ngày hội văn hoá dân tộc Lô Lô năm 2024 đã thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham gia trải nghiệm.
Người Lô Lô có nền văn hóa phong phú độc đáo, từ trang phục, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề truyền thống, ẩm thực đến phong tục, tập quán cưới hỏi, lễ hội, nghi lễ đặc sắc được lưu giữ cho đến ngày nay. Đặc biệt, dân tộc Lô Lô huyện Mèo Vạc còn gìn giữ và lưu truyền trang phục dân tộc với đường nét hoa văn được thêu tỉ mỉ, sắc sảo, có giá trị văn hóa cao. Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô năm 2024 được tổ chức nhằm bảo tồn, khôi phục và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Lô Lô, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần giới thiệu, quảng bá tới đông đảo nhân dân và du khách thập phương về truyền thống văn hóa của một dân tộc ít người trên cao nguyên đá.
Tại Lễ khai mạc đã diễn ra chương trình nghệ thuật với chủ đề “Mèo Vạc bừng sáng” và “Sắc màu Lô Lô” gồm các tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc trên cao nguyên đá nơi địa đầu của Tổ quốc. Cùng với đó là màn biểu diễn đàn đá của nghệ nhân Trương Đình Chiếu và 30 giáo viên đến từ các đơn vị trường học trên địa bàn Mèo Vạc; trao các giải Nhất, Nhì, Ba và giải Khuyến khích cho các chủ thuyền đoạt giải trong “Hội thi trang trí thuyền đẹp trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 1 năm 2024” được huyện tổ chức vào ngày 14/11. Đây là sự kiện văn hóa mới lạ và đặc sắc nhằm tôn vinh vẻ đẹp của núi sông, quảng bá hình ảnh du lịch và các giá trị văn hóa của huyện đến du khách, qua đó góp phần thúc đẩy ngành Du lịch của huyện phát triển.
Nhân dịp này Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ Gia Hoàng, Hà Nội đã trao tặng 50 chiếc đàn đá cho huyện Mèo Vạc với mong muốn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Trong khuôn khổ ngày hội diễn ra nhiều hoạt động phong phú, đa dạng vào sáng ngày 16/11 tại Nhà văn hóa dân tộc Lô Lô ở thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc như: Lễ rửa làng; các trò chơi dân gian: Đá lợn, kéo co bằng tay, tung ngô vào quẩy tấu; thi thêu, ghép các hoa văn của dân tộc Lô lô; giao lưu ẩm thực, thi chế biến các món ăn của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Cùng với đó là các hoạt động trải nghiệm như: Nhảy sạp, hát, múa, đánh trống đồng, kéo nhị, thử thêu hoa văn của dân tộc Lô Lô, tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm vùng cao và trải nghiệm tráng phở của dân tộc Lô Lô. Đây còn là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Thông qua tổ chức ngày hội nhằm bảo tồn, khôi phục và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Lô Lô; đồng thời giới thiệu, quảng bá tới đông đảo nhân dân và du khách về truyền thống văn hóa của một dân tộc ít người trên Cao nguyên đá, từ đó góp phần thúc đẩy ngành Du lịch địa phương phát triển.
Bích Hoà - Minh Hiệu
Ý kiến bạn đọc