Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Huyện Mèo Vạc tăng cường phòng ngừa, giảm thiểu tảo hôn dịp tết

17:36, 12/12/2024

Là huyện vùng cao biên giới của tỉnh với hơn 97% là người dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, trong đời sống người dân huyện Mèo Vạc vẫn còn tồn tại một số hủ tục, trong đó có tảo hôn. Để giảm thiểu tình trạng này, huyện đã và đang đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của bà con vùng DTTS nơi đây.

Tuyên truyền phòng ngừa nạn tảo hôn bằng hình thức sân khấu hóa.

Tình trạng tảo hôn tại Mèo Vạc thường xảy ra vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán hằng năm; chính vì vậy, để chủ động triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, đầu tháng 12-2024 huyện Mèo Vạc đã tổ chức hội nghị về bàn giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Tại hội nghị, đại biểu là lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện; Công an, Ban CHQS huyện, các Đồn Biên phòng Xín Cái, Sơn Vĩ cùng lãnh đạo 18 xã, thị trấn trên địa bàn đã tích cực thảo luận, chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong công tác này tại địa phương.

Huyện Mèo Vạc đẩy mạnh thực hiện Dự án 8 - Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em

Theo báo cáo của UBND huyện Mèo Vạc, từ năm 2021 đến nay toàn huyện xảy ra 291 trường hợp tảo hôn (năm 2021 là 79 trường hợp, năm 2022 là 102 trường hợp, năm 2023 là 46 trường hợp, năm 2024 là 64 trường hợp). Sau khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu tảo hôn, chính quyền các cấp đã đến hộ gia đình tuyên truyền, vận động, can thiệp thành công 242/291 trường hợp.

Nguyên nhân khiến tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra do dân cư sống phân tán, chủ yếu là người đồng bào DTTS cùng sinh sống; đối với đồng bào DTTS nói chung, việc kết hôn được thực hiện chủ yếu theo phong tục, tập quán; trình độ dân trí và ý thức pháp luật của người dân còn hạn chế; các chế tài xử phạt hành vi vi phạm trong tảo hôn chưa đủ mạnh để ngăn ngừa, răn đe tình trạng tảo hôn…

Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: “Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại hội nghị với những khó khăn, thách thức của từng địa phương; huyện sẽ đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng tảo hôn, trong đó, phân công cụ thể cho từng ngành, đơn vị và các xã, thị trấn căn cứ vào tình hình thực tế từng địa phương để lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn”.

Một trong những giải pháp đang được thực hiện hiệu quả vừa qua là triển khai thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14-4-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2015-2025”; huyện đã triển khai thực hiện mô hình điểm tại xã Lũng Pù, Sủng Trà bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần góp phần giảm thiểu tảo hôn.

Theo ông Nông Văn Ngay, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mèo Vạc, đặc biệt, phòng phối hợp với các ngành, địa phương triển khai thực hiện Tiểu dự án 2 - Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc Dự án 9 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025 và Dự án 8 - Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em thông qua hoạt động tuyên truyền, hội thi, mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn…

Đối với Dự án 8 - Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, huyện đã thực hiện thành lập, duy trì 197 tổ truyền thông cộng đồng; hỗ trợ 82 bà mẹ sinh đẻ an toàn và chăm sóc tại nhà sau sinh được hỗ trợ theo gói; phát triển 183 địa chỉ tin cậy hỗ trợ bảo vệ phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình; tổ chức 55 lớp tập huấn, buổi tọa đàm; duy trì 19 câu lạc bộ thủ lĩnh với 587 người tham gia…

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế công tác ngăn chặn tình trạng tảo hôn cho thấy, ngoài đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền; các cấp, các ngành ở địa phương cần đẩy mạnh các giải pháp quyết liệt hơn thông qua hình thức xử phạt các trường hợp vi phạm.

“Bên cạnh công tác phối hợp tuyên truyền, đơn vị cũng tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp xử lý hình sự khi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp cố tình vi phạm”, Trung tá Giàng Xuân Thắng, Trưởng Công an huyện Mèo Vạc cho biết.

Tảo hôn vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống. Chừng nào vấn nạn này chưa thực sự chấm dứt, thì chừng đó nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống vẫn còn hiện hữu ở các thôn bản vùng cao biên giới. Chính vì vậy, huyện Mèo Vạc đã yêu cầu các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, quyết liệt triển khai các giải pháp như: Tổ chức bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên có đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, biết tiếng dân tộc và am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào để tuyên truyền, vận động ngay từ gia đình, dòng họ, thôn, bản; tiếp tục xây dựng các mô hình về giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết; xử lý nghiêm các vụ tảo hôn; đặc biệt, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán cấp ủy, chính quyền các cấp nắm chắc tình hình thanh thiếu niên trong độ tuổi để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các cháu khi có biểu hiện quan hệ yêu đương khi chưa đủ tuổi, nguy cơ xảy ra tảo hôn…

Bài, ảnh: Hà Linh (Mèo Vạc)


Ý kiến bạn đọc