Những năm qua, cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học – THCS Đức Xuân huyện Bắc Quang luôn chú trọng thực hiện tốt công tác chăm sóc, quản lý học sinh bán trú; tạo điều kiện cho các em được học tập, rèn luyện, sinh hoạt trong môi trường giáo dục tốt nhất. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở vùng đặc biệt khó khăn.
![]() |
Giờ học trên lớp của thầy và trò trường PTDTBT Tiểu học – THCS Đức Xuân |
Cách trung tâm huyện gần 50km, đóng chân ở địa bàn vùng sâu vùng xa, năm học 2024-2025, Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Đức Xuân có 15 lớp, với 450 học sinh, trong đó 175 học sinh ở bán trú. Hiện, nhà trường đang thực hiện chế độ bán trú theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Làm tốt công tác nuôi dưỡng, nhà trường xây dựng thực đơn dựa vào điều kiện thực phẩm của địa phương; chú trọng lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn, trường đã ký hợp đồng với những cơ sở cung cấp có uy tín trong huyện, sản phẩm nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và giao nhân viên nhà bếp thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định. Công khai thực đơn và khẩu phần ăn cho học sinh trên bảng tin của nhà trường để học sinh, giáo viên, phụ huynh được biết, kiểm tra và theo dõi. Nhất là quan tâm, tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng được khám sức khỏe định kỳ; tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm đến toàn thể giáo viên, nhân viên.
![]() |
Việc quan tâm, chăm lo và nuôi dưỡng các em học sinh bán trú giữ vai trò rất quan trọng |
![]() |
Các em học sinh bán trú trong giờ ăn trưa ở trường |
Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Hoàng Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Đức Xuân cho biết: “Để làm tốt công tác bán trú cho học sinh nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, sắp xếp chỗ ăn ngủ cho học sinh, thực hiện nghiêm túc các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Thường xuyên theo dõi, lắng nghe nhu cầu của các em học sinh để thay đổi khẩu phần ăn phù hợp với sở thích của các em. Ngoài giờ học các em còn được tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao và được rèn luyện kỹ năng sống… Qua đó, đã khơi dậy được tinh thần học tập của các em, vài năm gần đây thành tích học tập của các em học sinh bán trú ngày một nâng lên.”
Cùng với đó, nhà trường làm tốt công tác quản trú, phân công lịch trực bán trú; tập trung giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh phù hợp với từng lứa tuổi. Phân công Tổng phụ trách Đội và cán bộ y tế nhà trường phổ biến tuyên truyền về kỹ năng và thao tác vệ sinh cho học sinh như: rửa tay, cách sắp xếp đồ dùng sinh hoạt gọn gàng, ngăn nắp. Tổ chức một số hoạt động dành riêng cho học sinh nội trú, sau các giờ học buổi chiều trong tuần tổ chức luyện tập thể dục thể thao và văn nghệ. Qua đó, học sinh thầy cô có cơ hội gần gũi, giao lưu nắm bắt tâm tư nguyện vọng, điều kiện, hoàn cảnh gia đình của học sinh. Góp phần xây dựng mối quan hệ cô, trò ngày càng gần gũi, môi trường học thân thiện, là ngôi nhà thứ 2 của học sinh. Em Phàn Thị Hằng, dân tộc Dao, học sinh lớp 9A, trường PTDTBT Tiểu học – THCS Đức Xuân chia sẻ: “Nhà em ở xa trường nên em được ở bán trú. Ở bán trú tại trường em được thầy cô chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, được hướng dẫn cách chăm sóc bản thân và các kỹ năng sống khác. Ở lại trường em còn được tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Em rất vui và rất thích được đến trường học…”
![]() |
Tuyên truyền về kỹ năng và thao tác vệ sinh cho học sinh như: Cách sắp xếp đồ dùng sinh hoạt gọn gàng, ngăn nắp |
Nhờ thực hiện tốt chế độ bán trú cho học sinh, công tác dạy và học của trường PTDTBT Tiểu học – THCS Đức Xuân ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ chuyển lớp hàng năm đạt trên 99%, tỷ lệ chuyên cần đạt khoảng 99,5%. Nhiều năm qua, nhà trường không có trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, các em học sinh yên tâm học tập, rèn luyện, tạo nền tảng để nhà trường từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ngoài nguồn lực đầu tư của nhà nước, công tác xã hội hóa giáo dục là điều kiện cần và đủ để có thể cải thiện môi trường học tập cũng như tổ chức bán trú cho học sinh. Thông qua mạng xã hội, các thầy, cô giáo đã chia sẻ những trăn trở, khó khăn của nhà trường tới rất nhiều độc giả. Nhờ vậy, các nhà hảo tâm đã biết đến, chung tay, chia sẻ khó khăn với nhà trường. Qua công tác xã hội hóa, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học và sinh hoạt đã từng bước được cải thiện, đến nay cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu của nhà trường.
Có thể nói, việc quan tâm, chăm lo và nuôi dưỡng các em học sinh bán trú giữ vai trò rất quan trọng trong mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường, nhiều em học sinh người dân tộc thiểu số ở các bản xa của xã đã có thêm điều kiện được đến lớp, khắc phục được tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học giữa chừng, đảm bảo sự phát triển toàn diện cho học sinh. Duy trì được sỹ số, nề nếp học tập, qua đó từng bước rút ngắn được khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền.
Minh Đức – Chí Cường (Bắc Quang)
Ý kiến bạn đọc