Theo đánh giá của ngành chức năng, Hà Giang có nhiều lợi thế trong phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao. Nhiều giống lúa địa phương đã tồn tại và phát triển từ lâu đời có chất lượng cao, mang tính đặc sản của địa phương mà các tỉnh khác không có được; tuy nhiên, các giống lúa này đã dần bị thoái hóa do quá trình canh tác.
Tuy nhiên, hiện nay, quá trình canh tác lúa của tỉnh vẫn phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện tự nhiên, nhất là vấn đề nước tưới; quá trình áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa còn hạn chế; canh tác lúa còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún và chủ yếu để phục vụ cho tiêu dùng và chăn nuôi trong qui mô hộ gia đình. Bên cạnh đó, các vùng trồng lúa trong tỉnh chưa có qui hoạch cụ thể cho sản xuất lúa chất lượng cao, lúa mang tính đặc sản địa phương và lúa hữu cơ; chưa có liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học với người nông dân trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chưa xây dựng được các nhà máy chế biến, đóng gói, xây dựng nhãn hiệu và bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa.
Mô hình phục tráng giống lúa thuần chất lượng cao PB 8 tại Trung tâm Khoa học kỹ thuật Giống cây trồng Đạo Đức, Hà Giang |
Từ thực tiễn đó, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã tập trung chỉ đạo nhằm phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao tại các vùng trồng lúa trọng điểm. Trong đó, tập trung hoàn chỉnh qui hoạch vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại 5 huyện vùng thấp là: Bắc Quang, Quang Bình, Bắc Mê, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang; 2 huyện vùng cao phía Tây là Hoàng Su Phì và Xín Mần. Tại những địa phương này sẽ bố trí các giống lúa thuần địa phương chất lượng cao nhằm phát huy tối đa lợi thế của từng vùng và phục vụ phát triển du lịch của địa phương; xây dựng vùng sản xuất giống lúa chất lượng cao của tỉnh với qui mô 445 ha. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn có sẽ có trách nhiệm hoàn chỉnh bộ cơ cấu giống lúa và chủ động nguồn giống lúa chất lượng cao; đẩy mạnh công tác phục tráng và sản xuất các giống lúa thuần chất lượng cao mang tính đặc sản của địa phương như lúa Khẩu Mang huyện Đồng Văn, lúa tẻ Già Dui huyện Xín Mần, lúa nếp huyện Yên Minh, lúa PB 8 chất lượng cao..; đẩy mạnh liên kết khai thác thương mại các giống lúa thuần chất lượng cao trên địa bàn của tỉnh….
Ông Vũ Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Khoa học kỹ thuật Giống cây trồng Đạo Đức cho biết: Trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn: Đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao. Đây chính là cơ sở quan trọng để khai thác và phát huy lợi thế của các giống lúa thuần chất lượng cao nhằm nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo trên địa bàn của tỉnh.
Phạm Văn Phú
(Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Giang)
Ý kiến bạn đọc