Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Mèo Vạc nâng cao thu nhập cho người dân từ tái cơ cấu ngành nông nghiệp

23:38, 18/02/2021

Mèo Vạc là huyện vùng cao biên giới và là một trong 7 huyện nghèo của Hà Giang được thụ hưởng Chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ (gồm 4 huyện vùng cao nguyên đá là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, 2 huyện vùng cao phía Tây là Hoàng Su Phì,  Xín Mần và huyện Bắc Mê).

Mật ong Bạc hà - một trong những sản phẩm OCOP 4 sao của huyện Mèo Vạc

Sau 5 năm triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp (từ  2016 – 2020) đã tạo nên diện mạo mới trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo bền vững và hiệu quả.

Để thực hiện thành công Đề án, huyện Mèo Vạc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy của các cấp, các ngành, các cấp chính quyền và đông đảo quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, huyện đã ban hành kịp thời các kế hoạch nhằm xác định mục tiêu và giải pháp cụ thể trong quá trình triển khai. Ngoài ra, huyện  cũng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương như: Phát triển chăn nuôi bò (chủ yếu là giống bò Vàng địa phương), mật ong Bạc hà…theo hướng hàng hóa đi đôi với ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp (chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi và chế biến sản phẩm); đẩy mạnh thực hiện các mô hình liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện Mèo Vạc cũng đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt là OCOP). Cùng với đó, nhằm đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả của Đề án, huyện Mèo Vạc đã tập trung đẩy mạnh công tác dạy nghề trên lĩnh vực nông nghiệp nhằm nâng cao trình độ tay nghề cho lao động nông thôn trên các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi...

Một góc phiên chợ bò huyện Mèo Vạc, Hà Giang

Từ những giải pháp đồng bộ và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phường, sau 5 năm triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Mèo Vạc đã nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế, bình quân đạt trên 13,3%, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, giai đoạn 2011 – 2015 là 4,2%; giá trị của ngành nông nghiệp năm 2020 đạt trên 755 tỷ đồng; tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm trên 29% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất các mặt hàng nông nghiệp chủ lực theo chuỗi giá trị gắn với phát triển du lịch ngày càng phát triển. Có thể kể đến một số mặt hàng nông nghiệp chủ lực của huyện Mèo Vạc đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao như: Mật ong Bạc hà, thịt khô bò Vàng, lợn đen Lũng Pù, Rượu ngô men lá Mã Pì Lèn…Đây cũng là các mặt hàng nông nghiệp chủ lực góp phần tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh chủ trương của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Mèo Vạc đang ưu tiên thực hiện phát triển và mở rộng qui mô chăn nuôi giống Bò Vàng địa phương gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ, mở rộng qui mô phát triển mật ong Bạc hà, lợn đen Lũng Pù…theo hướng hàng hóa; đẩy mạnh thực hiện Chương trình Phát triển cây dược liệu và các loại loại cây ăn quả ôn đới như lê, mận đỏ, táo lai…

Cũng nhờ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và trồng trọt theo hướng hàng hoá đã tạo ra một bước chuyển biến lớn trong công tác xoá đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đây cũng chính là chủ trương lớn và là định hướng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mèo Vạc về trước mắt cũng như lâu dài.

 Ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Do trình độ dân trí của đa số người dân còn thấp, tập quán canh tác nhỏ lẻ manh mún và tự cung tự cấp đã ăn sâu vào tiềm thức người dân. Bên cạnh đó là điều kiện tự nhiên khắc nghiệt đã tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp của địa phương…Tuy nhiện, sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu” đã tạo nên một bước chuyển biến tích cực trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần quan trọng làm chuyển biến nhận thức của đa số người dân, giúp họ nâng cao nhận thức trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng của sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập và thúc đẩy quá trình giảm nghèo một cách hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, mang tính đặc thù của địa phương.

                                                                         Phạm Văn Phú

                                                                (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Giang)


Ý kiến bạn đọc