Ngày 27/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT, tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố trên cả nước về phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Giang có đồng chí Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh.
Điểm cầu tỉnh Hà Giang |
Bệnh viêm da nổi cục lần đầu xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 10/2020, đến nay đã xảy ra tại 2.306 xã của 32 tỉnh, thành phố, với tổng số trên 60 nghìn con gia súc mắc bệnh. Trong đó, gần 10 nghìn con gia súc đã chết và tiêu hủy. Dịch xảy ra nặng nhất tại Hà Tĩnh, tại 208 xã; 17.420 con trâu, bò mắc bệnh; 2.541 con đã chết và tiêu hủy. Hiện nay, cả nước có 1.419 ổ dịch chưa qua 21 ngày tại 201 huyện của 27 tỉnh, thành phố, với trên 48.400 con gia súc mắc bệnh, trên 7 nghìn con đã chết và tiêu hủy. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát, phòng chống bệnh; tổ chức tiêm vắc xin viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Tại tỉnh Hà Giang, bệnh viêm da nổi cục được phát hiện ngày 30/11/2020 tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc; đến ngày 2/1/2021 bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra tại 17 hộ, ở 4 xã, tại 3 huyện, với tổng số trâu, bò mắc bệnh là 37 con; đã thực hiện tiêu hủy 1 con bò. Đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 62 ổ dịch, tại 25 xã, thuộc 6 huyện: Bắc Quang, Bắc Mê, Yên Minh, Mèo Vạc, Vị Xuyên, Đồng Văn. Số gia súc mắc bệnh là 282 con trâu, bò. Trong đó: chết và tiêu hủy 17 con trâu. Tỉnh Hà Giang đã triển khai các biện pháp chỉ đạo ngành chuyên môn hướng dẫn các địa phương phòng, chống dịch bệnh viêm da, nổi cục. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dịch bệnh. Triển khai tiêm vác xin được 3.888 con trâu, bò; cấp phát hóa chất cho các địa phương thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng.
Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương, đơn vị triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch. Đẩy mạnh công tác tiêm vacxin, vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng tại các địa phương có dịch, địa phương có nguy cơ cao. Phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng. Giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán, vận chuyển trâu, bò sản phẩm từ trâu, bò. Tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống, nguy cơ lây lan… Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu vacxin, phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước chia sẻ, hỗ trợ trong công tác phòng chống, dịch bệnh phòng chống dịch bênh viêm da, nổi cục./.
Hồng Duyên - Hồng Hải
Ý kiến bạn đọc