Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Hà Giang: Cuối năm 2021, đưa tỷ trọng chăn nuôi đạt trên 32,5% trong cơ cấu ngành nông nghiệp

13:13, 21/05/2021

Theo báo cáo của ngành chức năng, tính đến thời điểm cuối quý I/2021, toàn tỉnh có trên 290 nghìn con trâu, bò; gần 600 nghìn con lợn; gần 175 nghìn con dê; trên 4,6 triệu con gia cầm. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt trên 49.910 tấn.

Mô hình chăn nuôi gà theo qui mô trang trại tại xã Bằng Lang, huyện Quang Bình

Bên cạnh đó, đến cuối quý I/2021, tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp đạt 31,2%, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2020. Toàn tỉnh hiện có 411 gia trại, trang trại chăn nuôi; trong đó, có 4 trang trại chăn nuôi trâu, bò có qui mô trên 60 con; 16 trang trại nuôi lợn qui mô trên 200 con; 9 trang trại chăn nuôi gia cầm qui mô từ 1.500 con trở lên; duy trì hoạt động 14 chợ gia súc, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia trao đổi, mua bán gia súc.

Nhằm nâng cao hiệu quả trong phát triển chăn nuôi, các cơ quan chuyên môn của tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc. Trong năm 2020 và quý I/2021, toàn tỉnh đã cung ứng được trên 1,75 triệu liều vắcxin các loại cho đàn gia súc; tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 86,5%…

Một góc phiên chợ bò huyện Mèo Vạc

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của tỉnh cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Trước tiên là sự rủi ro cao về dịch bệnh; biến động giá cả thị trường; việc tiếp cận các chính sách về chăn nuôi của người dân còn hạn chế; ý thức chủ động trong phòng, chống dịch bệnh và đói rét cho đàn gia súc của một số địa phương và người dân chưa cao. Đặc biệt, trong việc liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị chưa thực sự mang lại hiệu quả bền vững; quá trình thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi còn hạn chế…

Bên cạnh những khó khăn và thách thức, Hà Giang cũng có nhiều lợi thế và tiềm năng trong phát triển chăn nuôi; nhất là đối với các loài vật nuôi có lợi thế cạnh tranh cao như: Bò vàng, mật ong Bạc hà, cá Bỗng, lợn đen, gà xương đen….Vì vậy, nếu phát huy và tận dụng các lợi thế sẽ là một động lực lớn để giúp ngành chăn nuôi của tỉnh ngày một phát triển.

Theo báo cáo của ngành chức năng, phấn đấu đến cuối năm 2021, tỷ trọng ngành chăn nuôi của tỉnh chiếm trên 32,5% trong cơ cấu của ngành nông nghiệp.

Nhằm không ngừng nâng cao tỷ trọng chăn nuôi, trong những năm qua, UBND tỉnh đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân mở rộng qui mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa như: Chính sách vay vốn được hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ người dân chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong công tác thụ tinh nhân tạo nhằm không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng đàn gia súc....

                                                       Phạm Văn Phú

                                                    (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh)

                                        


Ý kiến bạn đọc