Trước những diễn biến phức tạp của bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Trong thời gian qua huyện Mèo Vạc đã và đang triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Xây dựng các phương án đối phó, khống chế dịch bệnh không để lây lan ra diện rộng, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Cán bộ thú y thị trấn Mèo Vạc tiến hành tiêm Vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục cho bò tại thôn Tò Đú |
Theo báo cáo của UBND huyện Mèo Vạc, tính đến ngày 28/6 toàn huyện có 457 trâu, bò bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục. Ngay sau khi dịch bệnh phát sinh, UBND xã Mèo Vạc đã chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện, cán bộ thú y xã; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng, hiệu quả các biện pháp phòng, chống và hướng dẫn cách xử lý khi có trâu, bò bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục. Đồng thời, phân công cán bộ thú y thường xuyên nắm bắt tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các ổ dịch, bao vây dập tắt dịch ngay khi mới phát sinh, kiên quyết không để lây lan ra diện rộng. Tập trung chỉ đạo tiêm phòng bổ sung đối với đàn trâu, bò mới tái đàn hoặc chưa được tiêm phòng.
Theo ông Hồng Mí Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc: Huyện đã thực hiện tốt công tác vận động người dân thường xuyên vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khủ trùng chuồng trại tại khu vực chăn nuôi, nơi có nguy cơ cao mắc bệnh, nơi buôn bán gia súc, gia cầm và các phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy định. Kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ gia súc trên địa bàn; công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi phải được thực hiện thường xuyên. Tuyên truyền, vận động người dân mua vắc xin tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò. Các địa phương tiếp nhận và triển khai tiêm được 5.725 liều vắc xin phòng viêm da nổi cục trên đàn đại gia súc.
Theo dự báo của các cơ quan chức năng, thời gian tới dịch bệnh Viêm da nổi cục ở đàn trâu, bò sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, vì hiện nay chưa có thuốc điều trị. Để chủ động phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò có hiệu quả, giảm thiệt hại cho các hộ chăn nuôi, mỗi người dân cũng cần phải tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và cán bộ thu y; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: Không giấu dịch, không mua bán vận chuyển trâu, bò bệnh hoặc chết, không giết mổ, tiêu thụ thịt trâu, bò bệnh, hoặc chết; không vứt xác trâu, bò chết ra môi trường; khi phát hiện gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh phải tổ chức cách ly, báo ngay chính quyền và cơ quan chức năng.
Minh Đức( Mèo Vạc)
Ý kiến bạn đọc