Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Tạo sinh kế cho Nhân dân- Vấn đề cốt lõi trong mục tiêu phát triển tỉnh Hà Giang

10:56, 21/08/2021

Ngày 20/8/1891 đánh dấu Hà Giang chính thức có tên trên bản đồ theo đơn vị hành chính là một tỉnh của nước Việt Nam. Hành trình 130 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển, Hà Giang luôn xác định nhiệm vụ “tạo sinh kế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân” là mục tiêu xuyên suốt. Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 càng đặt niềm tin đây sẽ là khâu đột phá giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Toàn cảnh thành phố Hà Giang

Lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Hà Giang minh chứng, công cuộc xóa đói giảm nghèo, đưa đời sống của đồng bào các dân tộc rẻo cao ấm no, tiến bộ dù ở giai đoạn nào vẫn luôn được đặt lên hàng đầu. Có thể kể đến rất nhiều chương trình mang dấu ấn như chương trình “Mái nhà – bể nước – con bò – phản nằm”; “2 con bò 600 khóm cỏ”; “Đầu tư tái thu hồi”; “Nhóm sản xuất cùng sở thích”; “Đảng viên giúp đỡ hộ nghèo” và giai đoạn “Đại công trường xây dựng” hoàn thành một khối lượng xây dựng cơ bản to lớn tạo nền tảng cho nhân dân phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng – an ninh. Ngày nay, khi diện mạo từ đô thị đến nông thôn miền núi của tỉnh ngày càng khởi sắc, nền kinh tế - xã hội có bước phát triển vượt bậc lại càng cho thấy bước đi đúng đắn của Đảng bộ, Chính quyền tỉnh thể hiện qua sự biến động con số giảm nghèo.

Thôn Vĩnh Sơn xã Vĩnh Phúc huyện Bắc Quang chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Bắt đầu từ tháng 8 trở đi, người dân thôn Vĩnh Sơn sẽ bận rộn đến tận tháng 3 năm sau, hết thu nhãn đến thu cam vinh, cam sành. Mức thu nhập bình quân của người dân thôn Vĩnh Sơn đạt xấp xỉ 40 triệu đồng/người/năm.

Diện mạo từ đô thị đến nông thôn miền núi của tỉnh ngày càng khởi sắc

Chương trình giảm nghèo bền vững đã được tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện theo lộ trình hàng năm và theo giai đoạn. Từ các nguồn vốn, tỉnh hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Đặc biệt, chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo và hộ nghèo xã biên giới được tỉnh thực hiện từ tháng 7/2019 và đến nay đã có trên 4.700 ngôi nhà được hỗ trợ cho các đối tượng trong diện được hưởng lợi. Cùng với đó vào cuối năm 2020, Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Nghị quyết về "Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ cho người dân giai đoạn 2021 - 2025". Nghị quyết hướng tới mục tiêu thay đổi tư duy và phương pháp chăn nuôi, trồng trọt của người dân trên chính mảnh đất của mình.

Từ các nguồn vốn, tỉnh hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo

Trong suốt hơn một thập kỷ qua, tỉnh Hà Giang đã kiên trì thực hiện mục tiêu chăm lo đời sống vật chất và tỉnh thần cho nhân dân trong cả hoạch định chính sách, lẫn tổ chức triển khai, không chủ quan nóng vội, bệnh thành tích, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Một trong ba khâu đột phá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII đề ra là “Tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất là tinh thần cho nhân dân”. Điều này càng khẳng định tính kế thừa, phát huy và vận dụng sáng tạo thực hiện mục tiêu này của Đảng bộ, Chính quyền tỉnh. Khi người dân có thu nhập ổn định, đời sống được cải thiện thì đó sẽ là nền tảng vững chắc để tỉnh phấn đấu trở thành một trong những tỉnh khá khu vực trung du miền núi phía Bắc./.

Hương Giang- Hồng Quang


Ý kiến bạn đọc