Ngay sau khi Hà Giang ký kết hợp tác chuyển đổi số với Tập đoàn FPT, các cấp các ngành đã bắt tay ngay vào thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số. Trong đó đẩy mạnh phát triển Thương mại điện tử được xem là động lực phát triển KTXH của địa phương. Nhiều lớp tập huấn kỹ năng thương mại điện tử được tổ chức, các ngành, đơn vị đã chủ động đưa các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh lên sàn thương mại điện tử, gian hàng thực tế ảo 3D... và đã có một số đơn hàng nông sản đặc trưng của tỉnh được cung cấp đến tay người tiêu dùng thông qua các Sàn giao dịch thương mại điện tử.
Bưu điện Hà Giang ký kết với các HTX nông sản về tiêu thụ sản phẩm cam trên sàn giao dịch điện tử |
Sau nhiều đơn hàng nhỏ lẻ của các HTX và người dân, đầu tháng 10 năm 2021 Siêu thị trực tuyến PostMart đã đến xã Vĩnh Phúc huyện Bắc Quang ký kết và mua 10 tấn Cam Vàng Hà Giang, tiêu thụ sản phẩm cho HTX nông dân trồng Cam sạch xã Vĩnh Phúc huyện Bắc Quang. Đây là chuyến hàng tiêu thụ nông sản đặc trưng đầu tiên của tỉnh có số lượng và được tiêu thụ thông qua sàn giao dịch điện tử của Bưu điện Việt Nam. Trong đó, Bưu điện Hà Giang đã làm tốt vai trò cầu nối giữa người tiêu dùng và người sản xuất thông qua sàn thương mại điện tử. Để giữ uy tín của mình và làm tiền đề cho các đơn hàng tiếp theo khi mùa Cam Hà Giang bắt đầu khai vụ, Siêu thị trực tuyến PostMart đã giám sát chặt trẽ mọi công đoạn từ: Thu hái sản phẩm đến lựa chọn, dán tem, đóng hộp và vận chuyển đến khách hàng đã tin tưởng, đặt hàng qua hệ thống.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là khi Hà Giang chuẩn bị bước vào thu hoạch vụ Cam năm 2021-2022 các cấp các ngành trong tỉnh và các doanh nghiệp, HTX phải loay hoay tìm kiếm hướng đi mới, trong đó có việc quảng bá sản phẩm tới đông đảo người dân mà không phải tiếp xúc trực tiếp, loại bỏ các khâu trung gian, lại tiết kiệm chi phí mà vẫn tiêu thụ được nông sản đặc trưng cho người dân. Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh các sở, ngành chức năng và các địa phương đã triển khai nhiều lớp tập huấn kỹ năng phát triển thương mại điện tử cho người dân, chủ động kết nối xúc tiến quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh Hà Giang nói chung và Cam Hà Giang nói riêng bằng Gian hàng triển lãm thực tế ảo 3D tại “Triển lãm chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam” và các sàn thương mại điện tử như Posmart, Voso.vn, Sendo, Shopee, Dacsanhagiang.net …
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số của Hà Giang phù hợp với sự bùng nổ của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, bằng sự bùng nổ của công nghệ sẽ đem lại cơ hội mang tính căn bản giúp cho tỉnh giải quyết được nhiều bài toán mà lâu nay chưa tìm được lời giải. Nhất là trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của tỉnh đến với nhiều người tiêu dùng. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid19 ảnh hưởng lớn đến việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm theo cách truyền thống, việc ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy thương mại điện tử, xây dựng các kênh bán hàng trực tuyến Online đang trở thành phương án hữu hiệu nhất giúp các Doanh nghiệp HTX và người dân tiêu thụ được sản phẩm nông nghiệp của mình, khắc phục được những hạn chế về địa lý, thời gian và không phải qua các khâu trung gian, tư thương nên người sản xuất tiết kiệm được chi phí bán hàng, người mua hàng sẽ được mua đúng sản phẩm có thương hiệu, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Những chuyến hàng đầu tiên thông qua Siêu thị trực tuyến PostMart đã giúp các sở, ngành và người dân có thêm động lực, tiếp tục đẩy mạnh Thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến, tiêu thụ Online, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của tỉnh./.
Đình Anh - Văn Bính
Ý kiến bạn đọc