Tại thành phố Hà Giang, thời điểm này đang vào mùa thu hoạch nấm rơm rộ nhất trong năm. Mô hình trồng nấm rơm không chỉ tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu rơm, rạ sau thu hoạch mà còn là hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Hơn 1 vạn bầu nấm của gia đình chị La Thị Hợp |
Với kinh nghiệm nhiều năm trồng nấm để phục vụ nhu cầu gia đình, năm 2020, được UBND xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang cho vay 50 triệu đồng để phát triển kinh tế, chị La Thị Hợp, thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường đã mạnh dạn đầu tư hơn 1 vạn bầu nấm. Theo chị Hợp, trồng nấm rơm ít rủi ro, năng suất cao, tỷ lệ thu hồi vốn tương đối nhanh. Tuy nhiên đòi hỏi người trồng phải tỉ mỉ, nghiên cứu và áp dụng đúng kỹ thuật. Mỗi năm chị Hợp trồng 2 vụ, mỗi vụ thu khoảng 2 tấn. Với giá bán 35 đến 40 nghìn đồng/1kg, trung bình 1 năm sau khi trừ các chi phí, chị Hợp thu về lợi nhuận khoảng 70 - 80 triệu đồng.
Với giá bán 35 đến 40 nghìn đồng/1kg nấm |
Còn tại xã Phương Thiện, là địa phương có diện tích đất trồng lúa khá lớn, đây cũng là lợi thế để các hộ tận dụng nguồn phế phẩm rơm rạ sản xuất nấm. Năm 2021, toàn xã có hơn 15 nghìn bầu nấm. Xã Phương Thiện đã hướng dẫn người dân tận dụng diện tích dưới nhà sàn để trồng, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc. Nấm rơm được thu hoạch liên tục từ 7-10 ngày, sau đó sản lượng giảm dần đến kết thúc vụ nên mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Nghề trồng nấm rơm đã mở ra hướng đi giúp hộ nông dân tăng thu nhập |
Mô hình trồng nấm rơm thích hợp với những hộ không có mặt bằng lớn, dễ thực hiện nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao, bởi tính an toàn, nhiều dinh dưỡng và đầu ra ổn định. Nhờ vậy, nghề trồng nấm rơm đã mở ra hướng đi giúp hộ nông dân tăng thu nhập và nâng cao chất lượng đời sống./.
Phương Duyên- Ngọc Ánh
Ý kiến bạn đọc