Trong những năm qua, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Mèo Vạc đã lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Các hộ nuôi đã mạnh dạn tăng đàn, duy trì phát triển đàn gia súc, gia cầm hiện có, nhiều hộ gia đình được hỗ trợ vốn, kỹ thuật để đầu tư chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của địa phương.
Phát triển chăn nuôi tập trung giúp người chăn nuôi hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm chi phí đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế cao |
Kết quả trong phát triển chăn nuôi thời gian qua được đánh giá là có bước phát triển ổn định, đi vào chiều sâu, nhất là trong công tác đầu tư có trọng tâm, trọng điểm gắn việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đưa cây con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chuyển đổi diện tích đất xấu sang trồng cỏ, phát triển chăn nuôi đại gia súc, đó cũng là mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Mèo Vạc hướng tới trong sự phát triển toàn diện, coi đó là hướng để giảm nghèo hiệu quả mang tính bền vững. Bằng việc phát huy lợi thế, thế mạnh từng địa phương, lấy các mô hình đầu tư tiêu biểu, có hiệu quả của các hộ gia đình làm hạt nhân để nhân lên thành các nhóm hộ chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trang trại cùng sự đầu tư có hiệu quả của tỉnh, huyện và sự quan tâm, giúp đỡ của cán bộ chuyên môn về kỹ thuật như lựa chọn con giống, thức ăn chăn nuôi, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, sử dụng đệm lót sinh học, bảo đảm vệ sinh môi trường. Cùng với đó, thực hiện tiêm vắc xin định kỳ phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi… đã tạo đòn bẩy thúc đẩy cho chăn nuôi của huyện phát triển.
Đồng chí Hồng Mí Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Việc phát triển chăn nuôi tập trung không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chăn nuôi nhỏ lẻ mà còn giúp người chăn nuôi hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất và chất lượng được nâng cao. Không những thế còn giúp các hộ dân có điều kiện liên kết với các công ty, hợp tác xã để hỗ trợ, tạo điều kiện trong sản xuất và chủ động về đầu ra cho sản phẩm. Để góp phần giúp người dân trên địa bàn huyện phát triển các mô hình chăn nuôi, ngoài sự chủ động của người dân, các cấp, ngành chức năng ở huyện đã có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích như: tạo điều kiện cho người dân vay vốn; quan tâm đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết đầu tư phát triển chăn nuôi bền vững…
Chăn nuôi phát triển đã tạo thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con; góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Nhờ sự quan tâm, định hướng từ huyện đến xã, cùng với sự chủ động của người dân, phong trào chăn nuôi trên địa bàn huyện đã đem lại những kết quả tích cực. Từ đó, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Thời gian tới, huyện Mèo Vạc tiếp tục chỉ đạo ngành chuyên môn, các xã, thị trấn hướng dẫn nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong đó, tăng cường, tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển các mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại; đưa các giống vật nuôi có năng suất và giá trị kinh tế cao vào sản xuất; tận dụng các chương trình, nguồn vốn để hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi bền vững.
Minh Chuyên( Huyện Mèo Vạc)
Ý kiến bạn đọc