Hà Giang là tỉnh được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển cây dược liệu quý. Do đó, bằng nhiều giải pháp tỉnh đã và đang nỗ lực phấn đấu trở thành vùng trọng điểm Quốc gia về phát triển cây dược liệu, góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương.
Khu vực phát triển cây giống dược liệu |
Hà Giang hiện có trên 1.560 loài dược liệu, thuộc 824 chi, 202 họ; chiếm hơn 39% số loại dược liệu của cả nước; 51 loài cây thuốc quý, hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam; 97 loài nằm trong diện bảo tồn cấp Quốc gia. Toàn tỉnh có trên 10.800 ha dược liệu, phân bố ở hầu hết các huyện, thành phố. Từ định hướng phát triển cây dược liệu của tỉnh, mỗi địa phương cũng chủ động thực hiện nhiều biện pháp. Phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, tỉnh đã quy hoạch vùng sản xuất dược liệu, có chính sách hỗ trợ và đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đến đầu tư trồng, chế biến dược liệu như: Công ty Cổ phẩn phát triển dược liệu ANVY Hà Giang; Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Hà Giang; Công ty Cổ phần Dược liệu Bông Sen Vàng.
Dây chuyền sản xuất trà thảo dược của Công ty Bông Sen Vàng |
Một trong nhiều giải pháp mà Hà Giang đã thực hiện để phát triển cây dược liệu đó là giải pháp về khoa học công nghệ. Cụ thể tỉnh đã làm tốt công tác tuyển chọn nhân giống, đảm bảo giống cây dược liệu có mức sinh trưởng nhanh, cho năng suất, sản lượng cao; phối hợp với các chuyên gia của các doanh nghiệp dược liệu, đội ngũ khuyến nông cơ sở tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch cho người dân. Với những định hướng đúng, chiến lược phát triển lâu dài, cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Hà Giang sẽ là một trong những cây trồng mới được đưa vào cơ cấu mùa vụ, điều đó cũng phù hợp với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng của tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân địa phương, góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương./.
Ngọc Hải - Hà Toản
Ý kiến bạn đọc