Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Hiệu quả Cải tạo vườn tạp ở Quang Bình

09:33, 03/01/2022

Từ khi đề án “Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025” được triển khai tại Quang Bình, đến nay đã có kết quả khả quan. Đây cũng là hướng đi giúp các hộ gia đình trên địa bàn huyện nâng cao giá trị cây trồng, giá trị trên một đơn vị canh tác.

Xác định việc cải tạo vườn tạp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm là cần thiết. Đảng ủy xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình đã xây dựng kế hoạch cải tạo vườn tạp nhằm bố trí lại không gian vườn, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân. Năm nay, xã đã triển khai thực hiện cho 8 hộ nghèo, cận nghèo cải tạo với tổng diện tích 6.495 m2. Trong đó tổng diện tích trồng các loại rau, củ, quả là 1.370 m2, diện tích chăn nuôi: 1.800 m2; gia súc 435 con. Đã giải ngân vốn vay cho 8 hộ đủ điều kiện vay vốn là 240 triệu đồng. Các hộ đã sử dụng kinh phí được vay vào cải tạo vườn, mua con giống và trồng, chăn nuôi đúng mục đích.

Hộ gia đình anh Đặng Đức Mạnh, thôn Ngòi Han, xã Tân Trịnh trước đây gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế về nguồn vốn, kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi… Từ khi biết đến chương trình Cải tạo vườn tạp, anh Mạnh đã mạnh dạn đăng ký tham gia với tổng diện tích cải tạo vườn tạp là 420 m2 và được vay vốn 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quang Bình để mua lợn giống nhằm tăng số lượng đàn lợn hiện có. Anh cho biết: “Nhờ các cán bộ xã nên tôi được tiếp cận với chương trình Cải tạo vườn tạp, đến nay gia đình tôi vừa có nguồn rau sạch để ăn hàng ngày và gia đình tôi được sạch đẹp, và có đồng lãi từ nguồn vốn vay để phát triển kinh tế của gia đình tốt hơn trước”

Cùng hoàn cảnh với gia đình anh Đặng Đức Mạnh, hộ gia đình chị Hoàng Thị Túy, thôn Tân Bình – xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình có tổng diện tích vườn, chuồng trại là 4000m2 với các loại cây trồng: Bưởi diễn, chè, cam; nuôi dê, lươn. Được sự giới thiệu từ các ban, ngành, đoàn thể xã chị cũng đã đăng ký tham gia đề án với số vốn được vay là 30 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi chị chia sẻ: Từ số tiền được vay, tôi đã mua 6 con dê to vùng cao để tăng số lượng đàn và cải thiện giống, số tiền còn lại tôi sửa sang chuồng trại, mua thêm giống bưởi diễn,...sử dụng đúng mục đích nhằm phát triển kinh tế, nhờ đó đến nay gia đình tôi cũng đã khang trang hơn trước rất nhiều” .

Lãnh đạo huyện Quang Bình kiểm tra tiến độ quy hoạch của đề án Cải tạo vườn tạp( Ảnh Hoàng Tuấn)

Thực tế cho thấy, thời gian qua trên địa bàn huyện cũng đã xuất hiện nhiều mô hình cải tạo vườn tạp thành công, góp phần mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho các hộ gia đình, làm phong phú thêm thị trường rau quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, huyện Quang Bình có tổng số hộ thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ trên địa bàn huyện là 346 hộ. Trong đó số hộ được thụ hưởng chính sách Nghị quyết số 58 của HĐND tỉnh là 82 hộ, so với kế hoạch số 11 đạt 390%, so với  chỉ tiêu Đề án đến năm 2025 đạt 14,7%. Huyện cũng tổ chức tập huấn được 14 lớp với 409 người về kỹ thuật chăm sóc rau, tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi...Với tổng số diện tích vườn tạp đã được cải tạo năm 2021 của các hộ thụ hưởng chính sách là 52.980 m2. Tính đến thời điểm này, có 34 hộ đã có hiệu quả về kinh tế. Tổng thu nhập của hộ gia đình sau khi thực hiện cải tạo  vườn tạp là 175 triệu đồng. Bình quân mỗi hộ thu nhập từ vườn được cải tạo từ 3 – 5,4 triệu đồng/ hộ. Đồng thời từng bước chuyển biến về tư duy sản xuất đối với người dân, không còn đất để hoang hóa. Cải thiện được cuộc sống hàng ngày. Các hộ gia đình tham gia  tập huấn tiếp cận khoa học-kỹ thuật, mở mang kiến thức, vận dụng vào thực tế chỉnh trang khuôn viên nhà ở, sắp xếp quy hoạch, gọn gàng, được tiếp cận vay vốn ưu đãi, góp phần đầu tư cải tạo ban đầu. Bà Hoàng Thị Hằng – Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Quang Bình cho biết: “Trong năm 2021, ngân hàng CSXH huyện Quang Bình nhận nguồn vốn ủy thác địa phương cho vay theo NQ 58 với tổng số tiền là 7 tỉ 140 triệu đồng. Trong quá trình thực hiện, Ngân hàng CSXH đã phối hợp tốt với Phòng NN&PTNT và 15 xã, thị trấn để triển khai thực hiện. Sau khi giải ngân, Ngân hàng CSXH cũng tham mưu cho BTV Huyện ủy lên kế hoạch kiểm tra các hộ cho vay. Qua kiểm tra cho thấy các hộ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.”

Qua hơn một năm thực hiện Đề án đã thực sự đi vào đời sống của người dân, làm thay đổi đáng kể nhận thức của bà con nhân dân. Từ đó tạo nên phong trào thi đua sôi nổi giữa các hộ gia đình, thôn, xã. Nhiều hộ gia đình đã bước đầu cho thu hoạch mang lại kết quả cao. Người dân có lòng tin vào việc cải tạo và mạnh dạn học hỏi để áp dụng chuyển đổi và nhân rộng trên nhiều diện tích vườn để hoang hoặc các cây không có giá trị. Với từng loại cây cụ thể, tùy tình hình thực tế của mỗi hộ gia đình, địa phương và nhu cầu sản phẩm nông nghiệp trên thị trường mà lựa chọn phương thức cải tạo vườn sao cho phù hợp. Từ sự hỗ trợ của nhà nước và các ngành, đoàn thể ở địa phương và sự cần cù, chịu khó làm giàu trên mảnh đất quê hương đang hình thành nên những khu vườn mẫu cho giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.

Quỳnh Hoa( Huyện Quang Bình)


Ý kiến bạn đọc