Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Xã Trung Thành thu hoạch cây mía đường

20:02, 28/02/2022

 Những ngày này, bà con nông dân xã Trung Thành huyện Vị Xuyên đang bước vào vụ thu hoạch mía đường niên vụ 2021-2022. Nhiều năm nay, nhờ có cây mía đã giúp cho nhiều hộ dân tại xã Trung Thành có điều kiện thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. 

 Xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên thu hoạch cây mía đường niên vụ 2021 – 2022

Nhận thấy rõ tiềm năng khí hậu, đất đai, năm 2018, anh Nguyễn Văn Chung thôn Cuôm, xã Trung Thành đưa cây mía vào trồng trên đất đồi với diện tích 1,7 ha. Qua 2 năm trồng, hiệu quả cây mía mang lại cao gấp nhiều lần so với cây trồng truyền thống. Mặt khác, huyện Vị Xuyên liên kết với công ty Thủy Vĩnh Bảo có chính sách hỗ trợ phân bón, thuốc BVTV, hỗ trợ làm đất và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu 100% sản phẩm cho bà con với giá 850 đồng/1 kg. Anh Nguyễn văn Chung thôn Cuôm, xã Trung Thành chia sẻ: “Trồng mía không vất vả, không tốn nhiều công chăm sóc như những loại cây trồng khác, mà nguồn thu lại cao hơn nhiều lần so với cây trồng truyền thống, sản phẩm thì được công ty bao tiêu 100%. Bản thân tôi không ngờ diện tích đất xấu, bỏ hoang chỉ để thả trâu nay mang lại nguồn thu lớn thế này”.

 Nhờ có cây mía mà người dân tại xã có việc làm và thu nhập ổn định hơn

Theo bà con tại xã Trung Thành thì cây mía phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân, gấp 2-3 lần so với trồng ngô, lúa trên cùng đơn vị diện tích. Niên vụ  mía 2021-2022 toàn xã Trung Thành có 13,6 ha, trong đó  diện tích trồng mới là 1,1 ha, diện tích cho thu hoạch 12,5 ha, uớc tính năng suất bình quân đạt 70 tấn/ha, sản lượng ước đạt 840 tấn, doanh thu ước đạt 800 triệu đồng. Theo đánh giá của huyện cho thấy, cây mía có giá trị kinh tế cao. So sánh một số cây trồng khác hiện nay như cây sắn, cây keo... thì cây mía có hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều, ngoài sản phẩm mía nguyên liệu, mía giống thì mầm mía, lá mía còn làm thức ăn cho gia súc, nhất là trong mùa đông giá rét, khan hiếm thức ăn, rễ mía còn có tác dụng cải tạo đất. Đặc biệt, còn tận dụng những diện tích đất không có khả năng sản xuất nông nghiệp để trồng. Nhờ có cây mía bà con nông dân có việc làm và thu nhập cũng ổn định hơn. Để tiếp tục nâng cao thu nhập, chuyển đổi những diện tích đất xấu sang trồng mía, năm tới xã Trung Thành tiếp tục mở rộng liên kết trồng mía xuất khẩu đối với những diện tích đất xấu. Ông Khổng Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: “Là loại cây dễ sống, dễ chăm sóc nên ngay cả trên những diện tích đất đồi cằn thì cây mía vẫn phát triển và cho thu hoạch, so với các loại cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn, góp phần vào nâng cao tiêu chí thu nhập của xã. Thời gian tới, xã sẽ mở rộng diện tích để  trồng mía và hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, cây giống cho các hộ dân trong xã có nhu cầu trồng”.

Có thể nói, cây mía đã và đang có “chỗ đứng” rất thuận lợi ở huyện Vị Xuyên, bởi nó không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người lao động. Với cơ chế chính sách phù hợp như hiện nay, công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm mía nguyên liệu và mía giống đến từng hộ gia đình. Với cách làm này sẽ giúp người dân có thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. 

Bài, ảnh: Thu Biên ( Huyện Vị Xuyên)

   


Ý kiến bạn đọc