Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Quản Bạ: Sau 01 năm thực hiện cải tạo vườn tạp

11:15, 04/03/2022

Tại huyện Quản Bạ, sau 01 năm triển khai thực hiện Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Nhiều mảnh vườn cằn cỗi, bỏ hoang tại huyện đã trở lên xanh tốt, màu mỡ. Ước tính thu nhập từ vườn của các hộ tham gia trong năm 2021 là trên 1,8 tỷ đồng.

 Khu vườn CTVT của anh Mai Minh Thưởng, thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám đã cho đơm hoa kết trái

Xác định thực hiện Đề án cải tạo vườn tạp là nhiệm vụ cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy của nhân dân, để mọi người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của Đề án. Huyện Quản Bạ phân công cụ thể các cơ quan, ban ngành đơn vị phối hợp cùng các xã, thị trấn trong công tác vận động, hướng dẫn các hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đăng ký tham gia Đề án và khuyến khích các hộ có kinh tế trung bình, kinh tế khá cùng thực hiện với phương châm “Cầm tay chỉ việc” hỗ trợ trên 2.200 ngày công lao động, xã hội hóa kinh phí gần 134 triệu đồng.

Trung tá Giàng Xuân Thắng, Trưởng Công an huyện Quản Bạ cho hay: Xác định Công an là lực lượng gắn bó với chặt chẽ với nhân dân. Chính vì vậy ngay sau khi được BTV phân công phụ trách, hướng dẫn và hỗ trợ 06 hộ gia đình thực hiện cải tạo vườn tạp tại xã Bát Đại Sơn. Trên cơ sở địa phương khan hiếm nước, khó khăn trong canh tác nông nghiệp, Công an huyện đã nghiên cứu và đưa giống khoai sọ vào canh tác thử nghiệm. Qua đánh giá sơ bộ, cây khoai sọ cơ bản phù hợp với khí hậu, chất đất tại địa phương.

Sau 1 năm triển khai thực hiện Đề án cải tạo vườn tạp toàn huyện Quản Bạ đã có 214 hộ tham gia. Trong đó, đăng ký thực hiện với huyện theo Kế hoạch số 50 là 111/105 hộ, đạt 188% so với kế hoạch tỉnh giao, đạt 106% so với kế hoạch huyện giao, đã cải tạo được 51.260m2 vườn tạp. 23 hộ gia đình có điều kiện kinh tế trung bình, khá thực hiện ngoài Đề án đã cải tạo trên 10.000 m2. 80 hộ gia đình thực hiện Đề án cải tạo vườn tạp do các xã, thị trấn tự lựa chọn để triển khai thực hiện đã cải tạo trên 25.800 m2 diện tích vườn tạp để trồng cây ăn quả, xây dựng vườn rau dinh dưỡng, đào ao thả cá và chỉnh trang chuồng trại. Nhiều mô hình đã cho hộ gia đình thu nhập cao, điển hình như hộ gia đình Anh Mai Minh Thưởng, thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám đã cải tạo trên 8.000m2 vườn để trồng các loại cây ăn quả và chăn nuôi lợn, gà dưới diện tích vườn. Trong năm 2021, từ diện tích vườn trên đã cho gia đình anh Mai Minh Thưởng trừ chi phí thu lãi gần 60 triệu đồng.

 Sản phẩm từ vườn sau cải tạo đã cho người dân nguồn thu nhập thực lĩnh

Chia sẻ với phóng viên Anh Mai Minh Thưởng, thôn Tùng Nùn xã Lùng Tám nói: Sau 1 năm thực hiện Đề án cải tạo vườn tạp, khách quan cho thấy khu vườn của gia đình tôi đã được cán bộ xã hướng dẫn bố trí sạch đẹp, khoa học, các loại cây trồng được quy hoạch thành từng khu. Bên cạnh đó, tận dụng dưới tán vườn sau cải tạo, gia đình còn nuôi được gia súc, gia cầm. Tôi thấy, cải tạo vườn tạp là một Đề án rất thiết thực đối với người dân chúng tôi.

Trao đổi cụ thể hơn, Phó Chủ tịch Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ Phạm Ngọc Pha cho biết: Qua đánh giá việc thực hiện Đề án cải tạo vườn tạp tại huyện sau một năm, kết quả cho thấy những mảnh vườn sau cải tạo đã tạo ra sinh kế và thu nhập nhất định cho người dân về rau xanh, gia súc, gia cầm. Qua đó, đã tạo ra sản phẩm tại chỗ cho gia đình và các sản phẩm hàng hóa cung cấp ra thị trường. Quan trọng hơn là các khu vườn đã cải thiện và sắp xếp khoa học, đặc biệt là chủ trương cải tạo vườn tạp gắn với cải tạo chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường của huyện đã phát huy được tính phù hợp và hiệu quả.

Trong năm 2022 thực hiện Đề án cải tạo vườn tạp, huyện Quản Bạ sẽ tiếp tục có những định hướng phù hợp để nhân dân có thu nhập từ chính những mảnh vườn. Tạo điều kiện hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất và được tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, thúc đẩy chuyển đổi giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, phát triển kinh tế hộ. Giúp các hộ có kinh tế trung bình, kinh tế khá biết quy hoạch bố trí sắp xếp chuồng trại chăn nuôi hợp lý, đảm bảo hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi hợp vệ sinh. Đây cũng là yếu tố quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Quản Bạ.

Bài, ảnh: Hoàng Chính (Quản Bạ)

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc