Việc bảo tồn và phát huy các di sản địa chất cùng với các giá trị di sản đã trở thành xu hướng trong phát triển du lịch. Sự phát triển của ngành du lịch đã và đang góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên. Đây chính là lợi thế trong phát triển du lịch địa chất mà tỉnh Hà Giang đã và đang khai thác có hiệu quả.
Lợi thế trong phát triển du lịch địa chất
Trạm thông tin du khách huyện Yên Minh |
Tại trạm thông tin du khách huyện Yên Minh, những mẫu đá minh chứng cho một quá trình hình thành và phát triển của vùng công viên địa chất hay những sản phẩm mang nét đặc trưng văn hóa của đồng bào được trưng bày đã nhận được sự quan tâm của khách du lịch. Một bảo tàng mini như thế này cũng đủ để khách du lịch có thể hình dung khái quát về cao nguyên đá Đồng Văn với những giá trị về địa chất địa mạo, về nền văn hóa của các dân tộc. Trên vùng công viên địa chất hiện có 4 trạm thông tin được đặt ở 4 huyện. Mỗi trạm thông tin đều bố trí một bảo tàng mini trưng bày, giới thiệu nét văn hóa độc đáo của các dân tộc.
Làng văn hóa cộng đồng dân tộc Mông tại Mèo Vạc |
Sức hút của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn là điều không thể phủ nhận. 3 tháng đầu năm, Hà Giang đã đón hơn 500.000 lượt khách du lịch trong nước và quốc tế. Con số này tăng 112% so với cùng kỳ năm 2021. Những con số đã cho thấy sự phát triển của ngành du lịch Hà Giang. Và du lịch địa chất cũng theo đó mà phát triển.
Du lịch địa chất đang là hướng đi mới trong sự phát triển của ngành du lịch. Đây là loại hình du lịch bền vững, mang tính giáo dục cao. Thực tế, trên cao nguyên đá có rất nhiều những di chỉ hóa thạch cổ sinh như: Bọ Ba thùy, Trùng thoi, Huệ biển. Từ chỗ khai thác các giá trị địa chất, địa mạo phục vụ cho phát triển du lịch, người dân đã có ý thức trong bảo vệ và gìn giữ những giá trị di sản này trên vùng Công viên địa chất toàn cầu./.
Thu Hoài - Công Sáu
Ý kiến bạn đọc