Miền Bắc mùa nắng nóng kèm mưa bão tập trung từ tháng 5 đến tháng 9, khiến các loại cây ăn quả có múi rất dễ mắc bệnh. Đây cũng là thời điểm cây ăn quả có múi trong giai đoạn phát triển quả non đến chín. Do đó, người dân cần tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh nhằm bảo vệ diện tích canh tác, đảm bảo chất lượng quả khi thu hoạch.
|
Nhân dân chủ động các biện pháp chăm sóc cây trồng |
Toàn tỉnh hiện có hơn 9 nghìn ha cây ăn quả có múi. Trong đó, có gần 8.000 ha cam, 215ha bưởi, 500ha chanh, 315 ha quýt. Hiện nay, một số diện tích cây có múi đã xuất hiện bệnh hại như nấm, thán thư, vàng lá thối rễ, thối quả, sâu vẽ bùa, rệp muội, bệnh loét, ghẻ sẹo, chảy mủ... là những sâu bệnh thường gặp thời điểm sau mưa nhiều, nếu không xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng quả. Do vậy, để bảo vệ cây trồng, người dân cần chủ động thăm vườn thường xuyên để nắm rõ diễn biến sinh trưởng của cây và các loại dịch hại nhằm chủ động xử lý; với những ngày mưa dài, người dân tập trung thực hiện các biện pháp thoát nước chống ngập, úng như: đào rãnh, mương tăng tiêu thoát nước hoặc kết hợp dùng máy bơm hút hỗ trợ; cắt tỉa cành thông thoáng, kết hợp làm cỏ và sử dụng phân bón hữu cơ để hạn chế khả năng cây bị sâu bệnh hại; sử dụng chế phẩm nấm đối kháng tăng cường hoạt động vi sinh vật có lợi trong đất. Đặc biệt, khi phát hiện bệnh hoặc đến ngưỡng phòng trừ, lựa chọn sử dụng các loại thuốc sinh học, vi sinh để phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc 4 đúng và bảo đảm thời gian cách ly. Đồng thời, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, dự tính, dự báo sâu bệnh, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; thông báo nhanh tình hình sâu bệnh để nông dân chủ động phòng trừ kịp thời./.
Phương Duyên - Văn Hương
Ý kiến bạn đọc