Chè chốt 468 - sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2020. Phía sau câu chuyện về sản phẩm có lẽ ít người biết rằng chè chốt 468 gắn liền với những chiến sỹ bộ đội tại điểm chốt 468 những năm 1979 – 1989. Và câu chuyện xây dựng sản phẩm cũng bắt nguồn từ chính những người dân biên cương nơi đây.
Chè chốt 468 - Sản phẩm từ biên cương
Vùng nguyên liệu chè tại thôn Nà Toong, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên |
Sau năm 1991, khi cuộc chiến biên giới chấm dứt, các hộ dân đã từng sống ở điểm cao 468 của xã Thanh Thủy đã quay trở về và phát triển nghề làm chè. Chè chủ yếu được thu hái nhỏ lẻ, sản phẩm chè mang bán ở chợ xã chỉ đủ tiền đổi lương thực, thực phẩm cho các gia đình. Đến năm 2017, với sự động viên của người con trai là Lý Đức Dân, ông Lý Văn Phúc đã mạnh dạn vận động các hộ dân và học hỏi, vay vốn thành lập nên HTX trồng và chế biến chè Thanh Thủy. Năm 2018, HTX được hỗ trợ 35 triệu đồng từ nguồn Quỹ khuyến công địa phương. Từ nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả đã tạo ra sản phẩm Chè chốt 468 chất lượng với bao bì đẹp, bắt mắt, đáp ứng nhu cầu thị trường
Các thành viên HTX tham gia hái chè |
HTX ra đời với 13 thành viên, chủ yếu sản xuất, chế biến chè với quy mô 150 ha tại 4 thôn: Nà Toong, Cốc Nghè, Nặm Ngặt và Lùng Đoóc, tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động địa phương với thu nhập bình quân hàng tháng từ 4 – 6 triệu đồng/người.
Khâu đóng gói sản phẩm |
Bao bì sản phẩm Chè Chốt 468 |
Từ truyền thống làm chè của gia đình, cộng thêm tinh thần đổi mới, sáng tạo của tuổi trẻ, HTX trồng và chế biến chè Thanh Thủy đã dần Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đầu tư trang thiết bị hiện đại; xây dựng thương hiệu sản phẩm…. Tất cả đều hướng đến mục tiêu đưa sản phẩm chè hữu cơ, an toàn đến với mọi nhà và quan trọng hơn từ tên gọi sản phẩm Chè chốt 468 để ghi nhớ lịch sử truyền thống dân tộc, sự tri ân của thế hệ trẻ đối với các anh hùng liệt sỹ, những người đã hy sinh thanh xuân của mình cho vùng chè Thanh Thủy xanh tốt hôm nay./.
Trần Trang - Minh Hưng - Đức Mạnh
Ý kiến bạn đọc