Là một trong 4 huyện thuộc vùng Cao nguyên đá nên diện tích đất tự nhiên của huyện chủ yếu là các đồi núi đá. Chính vì vậy, huyện Quản Bạ đã xác định: Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ là một lợi thế và hướng đi phù hợp trong phát triển nông nghiệp của huyện.
Đến nay đàn lợn của gia đình chị Huyền phát triển khỏe mạnh, lớn nhanh, cho xuất chuồng được nhiều lứa |
Mô hình chăn nuôi lợn sinh sản giống bản địa theo hướng an toàn sinh học tái đàn sau dịch tả lợn Châu Phi được lựa chọn nuôi thí điểm tại gia đình chị Cao Thị Huyền ở thôn Nà Sài, xã Đông Hà, huyện Quản Bạ vào năm 2020. Gia đình chị đã xây dựng dãy chuồng khép kín, kho để thức ăn riêng biệt, có hệ thống ăn, uống nước sạch, thực hiện nghiêm việc tiêu độc, khử trùng… bảo đảm theo yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học có sự kiểm soát quản lý. Nhờ đó đến nay đàn lợn của gia đình phát triển khỏe mạnh, lớn nhanh, cho xuất chuồng được nhiều lứa…
Chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho vật nuôi |
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện ước đạt trên 26.000 con, đạt 97,03% so với kế hoạch. Đàn lợn khoảng 41.000 con đạt 91,11% kế hoạch. Để khắc phục những khó khăn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật nâng cao nhận thức của người dân, dần chuyển từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Tổ chức tốt khâu chọn con giống, nâng cao chất lượng vật nuôi, chú trọng thị trường tiêu thụ. Chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho vật nuôi…
Với sự quan tâm của cấp ủy chính quyền các cấp và sự vào cuộc hưởng ứng của người dân, tin tưởng rằng phong trào phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững của huyện Quản Bạ sẽ tiếp tục mang lại hiệu quả thiết thực, sản phẩm tạo ra có chất lượng tốt và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi./.
Hồng Hải- Ngọc Ánh
Ý kiến bạn đọc