Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa. Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành các gia trại, trang trại chăn nuôi tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó mô hình nuôi bò gắn chế biến, tiêu thụ sản phẩm của anh Thượng Thái Cát, xã Thuận Hòa là một điển hình.
Anh Cát đầu tư hệ thống chuồng trại, dần mở rộng quy mô chăn nuôi |
Gia đình vốn có truyền thống chăn nuôi bò, tuy nhiên trước đây chỉ nuôi nhỏ lẻ, trong khi tiềm năng về đất đai chưa được khai thác hết. Năm 2019 anh Thượng Thái Cát, thôn Mịch B, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên đã đầu tư trồng cỏ, chuồng trại nuôi 17 con bò lai 3D. Sau 3 năm chăn nuôi, nhận thấy giống bò 3D tăng trưởng, phát triển nhanh, thịt săn chắc, thơm ngon, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Cát đã đầu tư hệ thống chuồng trại, dần mở rộng quy mô chăn nuôi, đến nay trang trại bò của gia đình anh luôn có từ 120 con trở lên, có thời điểm lên đến 200 con gồm bò lai 3D và bò vàng địa phương. Để phục vụ thức ăn cho đàn bò, anh Cát trồng thêm 5ha cỏ, đồng thời thu mua toàn bộ ngô sinh khối, cỏ của bà con nhân dân trong xã.
Riêng năm 2021, trang trại xuất bán được khoảng 50 con bò, cho doanh thu gần 3 tỷ đồng |
Mở rộng quy mô đàn bò cũng đồng nghĩa anh Thượng Thái Cát phải tìm hiểu, nghiên cứu thật kỹ các kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ áp dụng chặt chẽ quy trình chăn nuôi, làm tốt công tác vệ sinh, phòng bệnh nên trang trại bò của gia đình luôn sinh trưởng, phát triển tốt. Riêng năm 2021, trang trại xuất bán được khoảng 50 con bò, cho doanh thu gần 3 tỷ đồng. Ngoài ra anh Cát cũng tận dụng, xử lý nguồn phân bò làm phân vi sinh cung cấp cho người dân trồng trọt.
Trung bình mỗi ngày mổ từ 1-2 con bò cung cấp thịt cho các nhà hàng và làm các sản phẩm từ thịt bò |
Không chỉ bán bò thương phẩm, với mong muốn gắn sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nên đầu năm 2022 anh Cát thành lập HTX Cát Lý, đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở chế biến thực phẩm. Trung bình mỗi ngày mổ từ 1-2 con bò cung cấp thịt cho các nhà hàng và làm các sản phẩm từ thịt bò như: Giò bò, bò khô, bò héo… Qua đó giúp tạo việc làm cho tổng số 12 công nhân là người địa phương.
Có thể khẳng định: Mô hình chăn nuôi bò của HTX Cát Lý thực sự là mô hình có quy mô, hiệu quả; vừa khai thác được lợi thế của địa phương, vừa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của người dân. Đáp ứng định hướng của tỉnh, địa phương đó là: Phát triển chăn nuôi theo chuỗi, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm./.
Đỗ Thị Hương Giang - Trường Chính trị tỉnh Hà Giang
Ý kiến bạn đọc