Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Bắc Quang thực hiện hiệu quả xã hội hóa xây dựng chợ truyền thống

18:51, 24/08/2022

Chợ truyền thống từ xưa đến nay được coi là địa điểm mua bán chính của người dân. Tuy nhiên, khi đời sống ngày càng phát triển, những hình thức mua bán thuận tiện hơn như cửa hàng tiện lợi, siêu thị phát triển mạnh, thì chợ đang dần mất đi chỗ đứng. Trong thời gian qua, nhiều nơi đã đưa ra các giải pháp để thay đổi chợ truyền thống phù hợp với xu thế thị trường. Ghi nhận của Phóng viên Thời sự tại chợ Trung tâm huyện Bắc Quang.

Bắc Quang thực hiện hiệu quả xã hội hoá đầu tư chợ truyền thống

Chợ Trung tâm Bắc Quang

Đến chợ Trung tâm huyện Bắc Quang hiện nay, ai cũng nhận thấy sự thay đổi rõ rệt về hệ thống hạ tầng khi được doanh nghiệp tiếp nhận, cải tạo và quản lý kinh doanh. Chợ Trung tâm huyện Bắc Quang được xây dựng từ năm 2004, nhiều chỗ đã hư hỏng làm ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán của tiểu thương. Bắt đầu từ tháng 9/2021, khi Công ty TNHH – Tổng công ty Gia Long đã trúng thầu để cải tạo, nâng cấp và quản lý, thì hạ tầng chợ đã có những thay đổi rõ rệt, giúp hoạt động mua bán tại đây sôi động và thuận tiện hơn trước rất nhiều.

Chợ trung tâm huyện Bắc Quang được cải tạo lại với các điểm bán hàng theo các ngành hàng quy định

Với tổng mức đầu tư để cải tạo, nâng cấp gần 9 tỷ đồng, Chợ trung tâm huyện Bắc Quang được cải tạo lại với các điểm bán hàng theo các ngành hàng quy định và mở thêm một số dịch vụ mới. Theo đó, dãy nhà ba tầng của Chợ được giữ nguyên và nâng cấp lên, còn lại toàn bộ khu vực xung quanh được sửa chữa và lợp mái toàn bộ. Doanh nghiệp quản lý chợ cũng bố trí các gian hàng, lối đi hợp lý, phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng đã giúp các tiểu thương kinh doanh ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao. tạo thuận lợi cho mọi hoạt động giao thương tại chợ.

Chợ có gần 200 hộ kinh doanh, buôn bán đủ các mặt hàng, từ quần áo, đồ gia dụng đến các loại nông sản, thực phẩm.

Hiện, Chợ có gần 200 hộ kinh doanh, buôn bán đủ các mặt hàng, từ quần áo, đồ gia dụng đến các loại nông sản, thực phẩm. Các ki-ốt được quy hoạch rộng rãi, trang bị đầy đủ hệ thống phòng cháy; các quầy kinh doanh thực phẩm sống, hàng ăn, đều có hệ thống cấp nước sạch, xử lý nước thải nhằm tạo thuận lợi cho tiểu thương trong quá trình sinh hoạt. Dự kiến Chợ sẽ đóng góp khoảng 400 triệu đồng/năm tiền thuế vào Ngân sách nhà nước.

Dự kiến Chợ sẽ đóng góp khoảng 400 triệu đồng/năm tiền thuế vào Ngân sách nhà nước.

Có thể thấy, việc thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa của Bắc Quang đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, tạo diện mạo mới cho các chợ truyền thống trên địa bàn. Hiện nay, đối với chợ đã chuyển đổi, huyện Bắc Quang sẽ tiếp tục hỗ trợ trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, phòng cháy, chữa cháy. Còn đối với các chợ đang kêu gọi đầu tư, huyện sẽ khuyến khích các thành phần kinh tế mạnh dạn tham gia, đồng thời tạo điều kiện để nhà đầu tư yên tâm thực hiện. Qua đó, góp phần đảm bảo để các chợ hoạt động có hiệu quả cao.

Hải Hà- Hồng Duyên


Ý kiến bạn đọc