Như chúng tôi đã phản ánh tình trạng trên 1.500 ha cây cam sành của các huyện Bắc Quang, Quang Bình bị nhiễm bệnh vàng lá, khô đầu cành và sinh trưởng kém. Trước thực trạng đó giữa năm 2021, một số nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu rau quả, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với một số hộ trồng cam thí điểm triển khai mô hình phục hồi, cải tạo vườn cam giã cỗi nhiễm bệnh. Qua 1 năm triển khai, mô hình đã đem lại những chuyển biến tích cực.
Mô hình phục hồi cây cam già cỗi, nhiễm bệnh
Các nhà khoa học mong muốn người nông dân trồng cam cần thực hiện tốt quy trình chăm sóc phát triển bền vững cây cam sành. |
Sau hơn 10 năm canh tác, nhiều diện tích cây cam sành của gia đình ông Hoàng Quyết Thắng xã Vĩnh Hảo đã xuất hiện tình trạng cam già cỗi, bị vàng lá và cây sinh trưởng kém. Theo kinh nghiệm thì gia đình ông sẽ chặt bỏ các cây nêu trên. Tuy nhiên khi được một số nhà khoa học trực thuộc Viện nghiên cứu rau quả vận động thí điểm thực hiện mô hình cải tạo vườn cam già cỗi bị nhiễm bệnh thì gia đình ông Thắng đã đồng ý. Sau 1 năm triển khai đến nay diện tích cây cam già cỗi, bị nhiễm bệnh của gia đình ông đã có những chuyển biến tích cực.
Ông Hoàng Quyết Thắng, xã Vĩnh Hảo là hộ triển khai mô hình cải tạo vườn cam già cỗi bị nhiễm bệnh |
Qua nghiên cứu của một số nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu rau quả cho thấy, sau thời gian dài khai thác lại không được chăm bón theo đúng quy trình, trong đất, nước chứa nhiều vi sinh vật có hại đã khiến cho sức chống chịu của cây cam sành giảm rõ rệt. Đặc biệt, trải qua những đợt mưa, nóng kéo dài, bộ rễ tơ của cây cam sành bị tổn thương. Sau đó bị nấm bệnh làm cho rễ cây bị thối, không hút được nước và dinh dưỡng dẫn đến cây bị vàng lá, thối rễ. Để khắc phục tình trạng trên, nhóm nghiên cứu đã phun thuốc trừ nấm bệnh đồng thời tưới phân kích rễ tơ mới phát triển. Thực hiện tiêu hủy những cây bị vàng lá, thối rễ nặng không có khả năng hồi phục.
Trải qua những đợt mưa, nóng kéo dài, bộ rễ tơ của cây cam sành bị tổn thương, sau đó bị nấm bệnh |
Thông qua mô hình cải tạo vườn cam già cỗi bị nhiễm bệnh, các nhà khoa học mong muốn người nông dân trồng cam cần thực hiện tốt quy trình chăm sóc phát triển bền vững cây cam sành. Trong đó cần chú trọng vào chăm bón, bổ sung phân hữu cơ. Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cân đối lượng phân vô cơ./.
Tuấn Quỳnh- Văn Bính
Ý kiến bạn đọc