Chặt cây, đốt rừng, làm nương. Thói quen canh tác lạc hậu này đã bị xóa bỏ ở thôn Trúc Sơn, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ từ hàng chục năm nay. Có được kết quả đó là sự đóng góp rất lớn của công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, hành vi trong bảo vệ rừng. Cùng với đó, người dân nơi đây có cách làm riêng để giữ màu xanh của núi rừng mà vẫn đảm bảo cuộc sống ấm no.
Xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ có hơn 2.480 ha rừng tự nhiên |
Xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ có hơn 2.480 ha rừng tự nhiên, trong đó có 951 ha là rừng phòng hộ, nằm chủ yếu ở thôn Trúc Sơn. Nhận thức được tác hại của việc chặt phá rừng, hướng tới lợi ích cộng đồng, hàng chục năm trước, thôn Trúc Sơn đã có quy ước riêng về bảo vệ rừng. Trong đó hành vi chặt phá rừng sẽ bị xử phạt bằng tiền để tạo sự răn đe đối với bà con trong thôn và các thôn lân cận. Có lẽ cũng vì vậy mà sống dưới cánh rừng nguyên sinh Trúc Sơn đã gần 80 năm nay, song nhiều lớp người như ông Lý Đại Minh vẫn hăng hái tham gia cùng các lực lượng chức năng đi kiểm tra rừng.
Thôn Trúc Sơn đã có quy ước riêng về bảo vệ rừng. |
Quy ước bảo vệ rừng của thôn Trúc Sơn đã phát huy sức mạnh to lớn khi làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, gắn bó, kết nối cộng đồng làng xã trong một mục tiêu chung là bảo vệ và nhân rộng những cánh rừng xanh. Nhờ đó, công tác bảo vệ rừng, và phòng chống cháy rừng ở xã Quản Bạ được thực hiện rất tốt, nhiều năm liền là đơn vị đứng trong tốp đầu của huyện Quản Bạ.
Công tác bảo vệ rừng, và phòng chống cháy rừng ở xã Quản Bạ được thực hiện rất tốt |
Những cánh rừng xanh nơi đây không chỉ làm lá phổi điều hòa không khí, bảo vệ con người trước thiên tai khắc nghiệt mà còn mang đến nguồn nước mát lành, quý giá, tưới mát cho đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư nơi đây.
Nhiều năm liền xã Quản Bạ là đơn vị đứng trong tốp đầu của huyện Quản Bạ về bảo vệ rừng |
Hoài Nam- Văn Bính
Ý kiến bạn đọc