Rau an toàn (người dân thường gọi là “rau sạch”) có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sức khoẻ con người về trước mắt và lâu dài; vì rau an toàn (RAT) là loại thực phẩm thiết yếu không thể thiếu trong tiêu dùng hàng ngày của con người.
Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới tại xã Hữu Vinh huyện Yên Minh |
Nhưng qua quá trình phát triển và tiêu thụ RAT trong những năm qua trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ những bất cập, đó là chưa hình thành cách trồng- kinh doanh- tiêu thụ RAT một cách hợp lý và khoa học; nói cách khác, hiện nay chúng ta chưa có mô hình sản xuất, kinh doanh RAT, đảm bảo được cả lợi ích của cả người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.
Qua thực tế khảo sát tại các mô hình trồng rau tập trung tại xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ), phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang)... cũng như phương thức tiêu thụ RAT hiện nay đòi hỏi chúng ta cần phải giải quyết để tháo gỡ những bất cập trong cả định hướng và cơ chế, đó là:
Hiện nay chúng ta chưa có đủ chính sách hợp lý và khoa học nhằm đảm bảo được lợi ích của người trồng RAT. Người trồng rau mới chỉ được hướng dẫn, tập huấn về kỹ thuật trồng RAT. Nhưng hai khâu trọng yếu là đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) và đầu ra (khâu tiêu thụ) họ phải tự lo và phần lớn không ổn định, gặp nhiều rủi ro. Sản xuất RAT phải vất vả, nghiêm ngặt về kỹ thuật như giống, đất trồng và nước tưới; bên cạnh đó, muốn có sản phẩm RAT cần phải khống chế phân đạm và các loại thuốc thuốc phòng trừ sâu bệnh nên mẫu mã của RAT thường kém "hấp dẫn" hơn so với các loại rau thông thường.
Mô hình rau an toàn tại phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang |
Ngoài ra, muốn có sản phẩm RAT phải đầu tư cơ sở vật chất lớn hơn (như nhà lưới, xử lý đất trồng, hệ thống tưới và thoát nước, các khâu thu hoạch, sơ chế, đóng gói...) nhưng giá bán RAT lại như rau bình thường ở chợ (thậm chí mẫu mã của RAT còn kém hấp dẫn hơn so với rau bình thường) dẫn đến không đảm bảo được lợi ích về kinh tế nên người trồng rau cũng không mặn mà gì với RAT. Ngoài ra, người tiêu dùng không có cơ sở để tin tưởng rằng rau mình mua để tiêu dùng là RAT nhưng giá bán lại bằng hoặc cao hơn rau bình thường ở chợ, vì họ không phân biệt được RAT với các loại rau thông thường khác.
Trong thời gian qua các chương trình, dự án, đề tài phát triển RAT của các cơ quan, các ngành, các cấp trên địa bàn của tỉnh đều sử dụng nguồn ngân sách của nhà nước, tạo nên tâm lý ỷ lại của người nông dân; chủ đầu tư (các chương trình và cán bộ chỉ đạo) không bị ràng buộc về kinh tế với hiệu quả của dự án và cũng không có lợi ích gì lớn từ dự án.
Đa phần các dự án chỉ hướng dẫn kỹ thuật trồng RAT mà chưa tổ chức sản xuất RAT theo qui mô thu mua và tiêu thụ RAT như thế nào? Hơn nữa, hiện nay chúng ta chưa tạo được cơ chế xã hội hoá trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ RAT với sự liên kết và giàng buộc của nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý và người tiêu dùng. Do vậy thiếu sự gắn kết giữa sản xuất- quản lý- tiêu thụ, thiếu cộng đồng trách nhiệm, cộng đồng lợi ích trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ RAT .
Đó là những tồn tại trong quá trình sản xuất, kinh doanh RAT hiện nay. Vì vậy, để có mô hình sản xuất, kinh doanh RAT đạt hiệu quả, bền vững trong cuộc sống, được mọi người dân tin tưởng cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong cộng đồng xã hội đòi hỏi chúng ta phải giải quyết đồng bộ và hiệu quả những mặt hạn chế nêu trên.
Phạm văn Phú
(Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh)
Ý kiến bạn đọc