Gần đây, người dân các xã sống liền kề Khu vực rừng đặc dụng Du Già, khi đi làm nương mới biết diện tích đất sản xuất của mình thuộc sự quản lý của Ban quản lý Rừng đặc dụng. Cơ bản, những diện tích đất sản xuất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng theo Quy hoạch 3 loại rừng từ năm 2018, thì rất nhiều diện tích đất sản xuất của người dân nằm trong phạm vi quy hoạch của Rừng đặc dụng, theo luật thì người dân không được canh tác và thế là họ bỗng dưng mất đất sản xuất…
Chồng lấn đất rừng
Tại các điểm cột mốc Rừng của Ban quản lý Rừng đặc dụng Du Già mới cắm. Đa số các cột mốc này đều nằm giữa diện tích đất sản xuất của người dân trong thôn. Ông Thào Chờ Sáu, thôn Kẹp B, xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê, cho biết: Kẹp B là thôn vùng cao khó khăn của xã Minh Sơn, toàn thôn có 90 hộ, trên 700 khẩu và 100% là đồng bào dân tộc Mông. Phần lớn diện tích đất nông nghiệp của thôn là do người dân khai phá và đã được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thế nhưng từ sau khi hoàn tất quy hoạch 3 loại rừng vào năm 2018, số diện tích đất nông nghiệp của thôn lại phần lớn nằm trong diện tích của Rừng đặc dụng Du Già, mà đã là Rừng đặc dụng thì người dân sẽ không còn được trồng cấy nữa, đất sản xuất đã thiếu lại càng thiếu.
Theo lãnh đạo xã Minh Sơn, diện tích chồng lấn đất rừng vào đất sản xuất của người dân tại xã Minh Sơn là khá lớn, hiện nay xã đang cho cán bộ phối hợp với các thôn bản, rà soát, thống kê và đề xuất cấp trên hướng giải quyết, để người dân sống liền kề với Rừng có đủ đất sản xuất, ổn định cuộc sống.
Không chỉ riêng ở xã Minh Sơn mà ở tất cả các xã xung quanh khu vực Rừng đặc dụng Du Già đều xảy ra tình trạng khi hoàn thành Quy hoạch 3 loại rừng thì nhiều diện tích đất sản xuất của người dân bỗng dưng trở thành đất rừng đặc dụng. Và chỉ đến khi cán bộ Ban quản lý đến xác định cắm mốc giới người dân và chính quyền địa phương mới biết. Việc chồng lấn giữa đất sản xuất và đất rừng đã gây khó khăn cho cuộc sống của người dân và gây áp lực cho cấp ủy chính quyền cơ sở khi người dân bị chồng lấn đất, liên tục lên xã đề nghị xem xét, giải quyết.
Trước tình trạng trên, các cấp, các ngành chức năng cần vào cuộc, có giải pháp tháo gỡ việc chồng lấn đất rừng với đất nông nghiệp, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Bởi thực tế đã chứng minh: Khi người dân sống trong vùng lõi, khu vực liền kề với rừng có cuộc sống ổn định, no đủ thì chính họ sẽ là những người bảo vệ rừng tốt nhất./.
Đình Anh
Ý kiến bạn đọc