Thực hiện Nghị quyết số 04 của BTV Tỉnh ủy về phát triển bền vững cây cam sành, Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam sành. Trong thời gian qua, các cấp, các ngành của huyện Bắc Quang đã tích cực tuyên truyền, giải ngân nguồn vốn cho các hộ trồng cam. Kết quả đạt được là rất lớn, tuy nhiên cũng còn một số vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ để khơi thông nguồn vốn cho sản xuất nông nghiệp.
Anh Giàng Văn San, thôn Vĩnh Chúa, xã Vĩnh Phúc (đứng giữa) được vay 60 triệu đồng để chăm sóc vườn cam 3 ha |
Là một trong tổng số 27 hộ nông dân trồng cam trên địa bàn xã Vĩnh Phúc, năm 2021 gia đình anh Giàng Văn San, thôn Vĩnh Chúa được vay 60 triệu đồng để chăm sóc vườn cam 3 ha. Ngay sau khi được tiếp cận nguồn vốn, gia đình anh đã tập trung đầu tư mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc vườn cam. Nhờ đó, cây cam được phục hồi và sinh trưởng hơn hẳn so với trước khi chưa được tiếp cận vốn.
Vườn cam của gia đình anh Giàng Văn San, thôn Vĩnh Chúa, xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang |
Triển khai Nghị quyết số 58 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam sành, đến hết tháng 9 năm 2022, toàn huyện Bắc Quang đã có 99 hộ với diện tích 159 ha được tiếp cận vốn vay. Tổng số tiền ngân hàng chính sách xã hội đã giải ngân là 9,9 tỷ đồng. Sau khi tiếp cận vốn, các hộ gia đình đã đầu tư thâm canh đảm bảo theo đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cam sinh trưởng phát triển tốt, năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm cam sành đã tăng lên. Cũng nhờ đó, giá trị sản phẩm bình quân 1 ha cam từ 60 triệu đồng năm 2020 tăng lên 85 - 100 triệu đồng năm 2021.
Đến hết tháng 9 năm 2022, toàn huyện Bắc Quang đã có 99 hộ với diện tích 159 ha được tiếp cận vốn vay |
Kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên đến nay sau 3 năm cũng mới chỉ có 159 trong tổng số trên 1.300 ha cam VietGap; 99 hộ trong tổng số 869 hộ trồng cam Vietgap của huyện Bắc Quang được tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, một số phát sinh về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hộ khẩu, tài sản tín chấp đã khiến cho nhiều hộ trồng cam không thể tiếp cận nguồn vốn cho dù có nhu cầu.
Sau khi tiếp cận vốn, các hộ gia đình đã đầu tư thâm canh đảm bảo theo đúng quy trình kỹ thuật |
Theo Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh, các hộ trồng cam Vietgap trong vùng quy hoạch của 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên sẽ được vay không lãi xuất trong 3 năm với số tiền 60 triệu đồng/1ha để thâm canh cam. Phải khẳng định chính sách là rất phù hợp và nhanh chóng được các hộ trồng cam tiếp nhận. Tuy nhiên những vướng mắc hiện nay cũng cần sớm được các cấp, các ngành xem xét tháo gỡ để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn./.
Tuấn Quỳnh- Văn Bính
Ý kiến bạn đọc