Thôn Trừ Lủng, xã Sảng Tủng là thôn vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Đồng Văn; thôn có 100% là đồng bào dân tộc Mông, dân cư sống rải rác phân tách thành 04 khu dân cư ở 3 thung lũng; thôn giáp ranh với xã Hố Quáng Phìn, xã Vần Chải và xã Phố Cáo. Những năm gần đây cuộc sống của người dân thôn Trừ Lủng đã có sự đổi thay tích cực, nhưng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn chiếm 96,6%. Đời sống nhân dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, cây ngô là cây lương thực chính.
Đường rích rắc, ngoàn nghèo, treo leo như sợi chỉ vào thôn Trừ Lủng |
Khó khăn thách thức lớn nhất đối với thôn Trừ Lủng chính là địa hình chia cắt mạnh, nhiều vực sâu, nhiều núi đá cao dựng đứng, diện tích đất để canh tác sản xuất được rất ít chỉ chiếm khoảng 25% tổng diện tích toàn thôn; là thôn có độ cao trên 1.300m so với mực nước biển, nên khí hậu rất khắc nghiệt, sương mù bao phủ quanh năm, lạnh như cắt da, cắt thịt về mùa đông, nắng khô hanh về mùa hè, làm cỏ cây cũng khó sống; bà con ở đây cũng thường xuyên phải chống chọi với việc thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt; thôn chưa có điện nên chẳng hộ nào có ti vi, mọi thứ sinh hoạt trong gia đình như xay bột ngô, thái cỏ… đều bằng sức người. Xong người dân ở đây vẫn kiên trì bám đất, bám rừng, ai ai cũng cần cù, chịu khó, tích cực tăng gia sản xuất, xoay xở đủ mọi thứ nhưng bao đời nay vẫn không thể thoát khỏi cái đói nghèo; cả thôn có 59 hộ với 346 nhân khẩu, thì hộ nghèo chiếm 51 hộ; hộ cận nghèo 6 hộ; trung bình 2 hộ (theo kết quả điều tra mới nhất năm 2022 của xã).
Đường đá vào thôn Trừ Lủng |
Nói về sự nghèo khó nơi đây, có lẽ ông Ly Mí Vư, người con dân tộc Mông, hiện ông là Chủ tịch Hội Nông dân của xã Sảng Tủng, ông được Đảng ủy xã phân công phụ trách thôn Trừ Lủng từ nhiều năm nay, ông sinh ra và lớn lên ở thôn Thèn Ván, thôn liền kề với thôn Trừ Lủng, nên ông hiểu và nắm rất rõ về địa hình ở đây, thôn Trừ Lủng và thôn Thèn Ván cách trung tâm xã Sảng Tủng khoảng 8km, nhưng chúng tôi di chuyển bằng xe mô tô phải mất 1h30 phút, nếu trời mưa trơn thì phải đi trên 2h mới đến trung tâm của thôn, còn từ trung tâm thôn đi các nhóm hộ, khu dân cư có khi mất cả 1h đồng hồ; còn nói về cuộc sống của bà con ở đây thì ông Vư lại càng hiểu rõ hơn; bởi ông vừa là người bản địa, vừa có nhiều năm tham gia công tác ở địa phương nên ông Vư thấu hiểu những nhọc nhằn, gian khó của vùng đất này. Ông Vư kể: Bao đời nay, người Mông ở thôn Trừ Lủng này cũng như thôn Thèn Ván của ông đã rất cần cù trong lao động nhưng đói nghèo vẫn đeo bám; cả một vùng mênh mông rộng lớn nhưng chỉ trơ trơ khấc đá, đá và đá, núi đá cao dựng đứng, vực sâu, đất đai ít và cằn cỗi, khô hạn nên trồng cây gì cũng không phát triển, nuôi con gì cũng chẳng lớn, “ăn bứa sáng lo bữa tối”. Từ cái đói nghèo ấy đã kéo theo bao hệ lụy, cũng vì thế mà những năm 2000 kẻ xấu đã lợi dụng để thực hiện tuyên truyền đạo trái pháp luật, nên cả thôn đã từ bỏ phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình đã nghe và theo chúng, bỏ bê làm ăn, bỏ hoang ruộng nương, di cư tự do, không chăm lo gia đình, nên con cái không được học hành… Khi được cán bộ dân vận của xã, của huyện đến từng nhà tuyên truyền, vận động thì đến năm 2003, các hộ dân trong thôn đã từ bỏ học và theo đạo trái pháp luật, quay trở lại phong tục tập quán truyền thống của dân tộc mình. Để thoát khỏi đói nghèo, người dân Trừ Lủng đã tìm tòi hướng đi mới, nhất là trong chăn nuôi như nuôi bò vỗ béo, tăng đàn dề, đàn ong mật, chăn nuôi gia cầm, kết hợp với trồng một số giống ngô lai cho năng xuất cao và gắn với trồng một số loại cây ngắn ngày để tăng thu nhập…, từ đó đến nay tổng sản lượng lương thực có hạt của thôn đã đạt 55,4 tấn; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 8 triệu đồng năm 2017, lên 16,1 triệu đồng/người năm 2022. Tổng đàn gia súc tăng từ 201 con lên 309, trong đó đàn bò 93 con, đàn lợn 112 con; đàn Dê 108 con, đàn gia cầm gần 800 con; đàn ong mật 60 đàn, cải tạo vườn tạp 01 vườn, trồng rau chuyên canh 5 ha.
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đồng Văn Dương Ngọc Đức tặng quà cho người cao tuổi Thào Thị Dính tại thôn Trừ Lủng |
Theo chân Bí thư chi bộ thôn Sùng Mí Thò, chúng tôi đến thăm gia đình anh Sùng Mí Sèo, một trong những hộ nghèo nhất của thôn. Tiếp chúng tôi trong căn nhà đã xuống cấp, trong bếp lạnh ngắt, trên gác lèo tèo vài bắp ngô tẻ, anh Sèo vẫn vui vẻ cho hay: Gia đình có 09 khẩu, trong nhiều năm qua, gia đình cũng cố gắng lao động, nhưng vẫn đói, chưa thoát nghèo được bởi gia đình anh ít đất sản xuất quá, chỉ dựa vào ít nương ngô. Tuy nhiên các con của anh Sèo được đi học đầy đủ tại trường bán trú của xã và được nhà nước hỗ trợ, các con của anh đều là học sinh khá của trường.
Sinh sống cùng thôn với anh Sùng Mí Sèo, gia đình anh Sùng Chúng Vư, là hộ khá giả nhất của thôn, gọi là hộ khá nhưng tài sản lớn nhất cũng chỉ có 2 con bò, 03 con dê, mấy con gà và cả gia đình anh Vư cũng chỉ trông chờ vào ít nương ngô. Anh Vư chia sẻ: gia đình có 02 khẩu, đất sản xuất ít lắm, chủ yếu là đá, đất bạc màu nên khó trồng cây rau, cây cỏ lắm, trồng ngô cũng kém phát triển, năng xuất thấp, gia đình phải kết hợp chăn nuôi và tăng thêm xem, canh gối vụ một số loại rau bí, đậu… thì mới đủ ăn được.
Bí thư Chi bộ thôn Trừ Lủng Sùng Mí Thò (ngồi chính giữa) |
Đồng chí Sùng Mí Thò, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Trong thôn hầu hết là hộ nghèo, cận nghèo, nhưng người dân trong thôn luôn đoàn kết, tin tưởng vào các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của địa phương, mặc dù thôn chưa có điện lưới quốc gia, xong được các cấp, các ngành hỗ trợ lắp đèn năng lượng mặt trời nên nhà nào cũng sáng trưng vào buổi tối, thuận lợi cho sinh hoạt gia đình; Đồng thời người dân trong thôn cũng đã tích cực sản xuất, chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, tham gia xây dựng nông thôn mới, bài trừ hủ tục, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh.
Đến thăm thôn Trừ Lủng, chúng tôi không khỏi trăn trở về cuộc sống và cái nghèo của bà con nơi đây, chúng tôi có cuộc trò chuyện với đồng chí Vũ Ngọc Hải, Bí thư Đảng ủy xã Sảng Tủng, được biết: Sảng Tủng có 2 thôn đặc biệt khó khăn của xã đó là thôn Thèn Ván và thôn Trừ Lủng, cả hai thôn hiện nay đều chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, giao thông đi lại rất khó khăn, địa hình chia cắt mạnh, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn rất cao, do vậy Đảng ủy xã cũng đã xác định việc xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững là nhiệm vụ hàng đầu và nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền xã; trước mắt xã sẽ phấn đấu hoàn thành một số tuyến đường giao thông nông thông để thuận tiện đi lại; ưu tiên các chương trình hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho bà con vay vốn mua trâu, bò sinh sản; hiện nay trong thôn đã có 48 hộ đăng ký thực hiện các mô hình như mô hình nuôi bò vỗ béo, nuôi lợn nái sinh sản, nuôi dê, nuôi ong; bên cạnh đó xã cũng sẽ tập trung tuyên truyền, tư vấn cho người dân đi lao động tại các khu công nghiệp ở trong nước để tăng thu nhập cho người dân.
Trung tâm thôn Trừ Lủng, xã Sảng Tủng, Đồng Văn |
Mặc dù thôn còn nhiều khó khăn, còn nhiều hộ nghèo nhưng bà con nhân dân trong thôn luôn hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới, tích cực, chủ động thực hiện các tiêu chí không cần kinh phí như vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khuôn viên gia đình, sắp xếp đồ đạc trong nhà, ăn, ở hợp vệ sinh; cho con cái đi học đầy đủ, đã hiến 400m2 đất, đóng góp 388 ngày công làm Sân bê tông xi măng cho các cháu học sinh ở điểm trường của thôn và mở trên 700m đường bê tông giao thông nông thôn; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hiện nay thôn đã có đội văn nghệ xung kích thường xuyên tham gia biểu diễn trong những dịp lễ, tết phục vụ bà con nhân dân trong khu dân cư. Bên cạnh đó bà con nhân dân còn thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và phòng chống cháy rừng nên từ trước đến nay thôn chưa có vụ cháy rừng nào xẩy ra, nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ 101 ha rừng; trồng rừng mới được 0,9 ha gắn với đề án trồng 1 tỷ cây xanh... Với những đóng góp đó trong năm 2022, toàn thôn đã có 16 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Kết quả này có được là nhờ vào công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức trong dân của các ban ngành, đoàn thể của xã và ban lãnh đạo thôn, cùng với các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, sự chăm lo của cấp uỷ, chính quyền địa phương, đặc biệt với tinh thần đoàn kết vượt khó, khát vọng vươn lên để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc chính là động lực để người dân Trừ Lủng sớm có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bài, Ảnh: Dương Ngọc Đức
( Ban Dân vận Huyện ủy Đồng Văn)
Ý kiến bạn đọc