Phát huy thế mạnh tự nhiên, nghề nuôi ong lâu nay đã trở thành sinh kế giúp người dân Mèo Vạc từng bước vươn lên thoát nghèo. Địa phương cũng xác định phát triển đàn ong là một trong những nội dung trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp; cùng với các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh, huyện đã tạo “đòn bẩy” để nghề nuôi ong có sự phát triển bền vững và giúp cho thương hiệu “Mật ong Bạc hà” vang danh khắp trong và ngoài nước.
Huyện Mèo Vạc có khoảng 20.000 đàn ong mật được nuôi tập trung ở hầu hết các xã, thị trấn |
Theo thống kê của ngành chuyên môn, hiện nay toàn huyện Mèo Vạc có khoảng 20.000 đàn ong mật được nuôi tập trung ở hầu hết các xã, thị trấn. Sản phẩm mật ong Bạc hà ở nơi đây có chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao; sản phẩm đặc sản này mang tính đặc trưng của địa phương và đã được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý; đầu ra sản phẩm thuận lợi, được thị trường đánh giá cao. Để phát triển bền vững nghề nuôi ong, phấn đấu năm 2023, tổng đàn ong của huyện đạt trên 20 nghìn đàn; sản lượng mật thu hoạch đạt khoảng 150 nghìn lít; 90% số hộ nuôi ong trên địa bàn tham gia Hội nuôi ong; huyện Mèo Vạc sẽ tiếp tục triển khai quy hoạch vùng phát triển nguyên liệu cây hoa Bạc hà, tập trung tại các xã núi đá; thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật di chuyển đàn; tăng cường quản lý, giám sát dịch bệnh trên đàn ong; mở các lớp đào tạo, tập huấn cho các bộ khuyến nông và các hộ nuôi ong nắm vững kỹ thuật chăn nuôi và áp dụng hiệu quả vào trong sản xuất; tập trung quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm gắn với tăng cường giám sát chất lượng mật ong; xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm mật ong Bạc hà nhằm tạo liên kết từ khâu chăn nuôi đến tiêu thụ. Đồng thời kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm về quản lý chất lượng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sản phẩm mật ong Bạc hà…
Minh Đức (Mèo Vạc)
Ý kiến bạn đọc