Trên rẻo cao, không khí Tết có thể nhìn thấy rất rõ trong phiên chợ những ngày cuối năm... Đến chợ, người dân không chỉ mua bán những mặt hàng thiết yếu hằng ngày mà còn gặp gỡ, trao gửi tình cảm với mọi người.
Từ sáng sớm, người dân đã đến chợ bằng trang phục đẹp mắt nhất |
Tại phiên chợ TT Đồng Văn ngày giáp tết, bất chấp cái rét buốt lạnh vùng cao, từ rạng sáng, đồng bào xuống chợ từ sớm, làm náo nhiệt cả một vùng. Phiên chợ cuối cùng của năm trước mỗi dịp Tết đến Xuân về trở nên nhộn nhịp hơn. Mọi ngóc ngách gần chợ đều được người dân tận dụng làm chỗ mua bán, nghỉ chân, hay đơn giản chỉ là để đứng nhìn dòng người đi chợ Tết. Các gian hàng đông người mua hơn cả là hàng bán quần áo trang phục dân tộc, giấy đỏ dán cửa nhà, và hàng thịt.
Nhiều mặt hàng được người dân lựa chọn cho phiên chợ ngày giáp tết |
Chợ phiên giáp Tết ở vùng cao với nét đơn sơ vốn có đã làm nên một bản sắc riêng khác xa đô thị. Người đi mua sắm Tết tại phiên chợ cuối năm phải cố lách giữa đám đông để mua đầy đủ các thứ đồ cần dùng trong ngày Tết. Hàng dù đắt, rẻ, dù vừa ý hay không thì ngày chợ cuối này đều phải mua vì đây là phiên chợ hết năm. Mỗi bà mẹ dắt theo con nhỏ mua quần áo mới cho con diện Tết, các chàng trai, cô gái đi chợ để tìm bạn, để gửi lời hò hẹn cho những buổi hội xuân vui đầu năm. Người dân vùng cao đi chợ Tết không chỉ để mua sắm. Họ đến đây còn để chơi chợ, gặp gỡ bạn bè, mời nhau đi dự lễ hội mùa xuân. Sản phẩm của địa phương được bày bán, trao đổi ở chợ là sự kết tinh trong lao động, sự cần cù của người dân vùng cao, như: vải lanh, khăn thổ cẩm, hàng ẩm thực.Đến với chợ phiên cuối năm, không chỉ có những người dân đi mua sắm Tết, mà còn có du khách đến hòa vào dòng người đông đúc để tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu về phong tục, tập quán của người dân địa phương.
Cứ mỗi độ xuân về, không gian văn hóa đầy màu sắc, vẻ đẹp của chợ vùng cao khiến con người bâng khuâng, da diết. Phiên chợ vùng cao đặc biệt là những phiên giáp Tết với những nét đẹp truyền thống của dân tộc vẫn là điểm đến thú vị không chỉ với bà con ở các bản làng mà cả với du khách gần xa...
Đức Chung (Đồng Văn)
Ý kiến bạn đọc