Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Tập trung phát huy thế mạnh nông sản chủ lực

16:44, 09/05/2023

Phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, những năm qua, tỉnh Hà Giang đã tập trung xây dựng, phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị tập trung vào 5 cây và 3 con. Trong đó, 5 cây là: Cây ăn quả ôn đới, cây Chè shan tuyết, dược liệu, lúa chất lượng cao và Tam giác mạch, 3 con, là: bò vàng, lợn địa phương và con Ong. Trên cơ sở đó, vừa sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn vừa nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, hướng đến phát triển bền vững.

 

Với đặc trưng của điều kiện tự nhiên phân thành 3 vùng rõ rệt là điều kiện thuận lợi cho phát triển các cây con theo lợi thế vùng. Trong cơ cấu cây ăn quả có múi, cây Cam là chủ lực và đã có 38 xã thuộc 3 huyện trọng điểm là Quang Bình, Bắc Quang, Vị Xuyên được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Sành Hà Giang và chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cam vàng.

Hà Giang là địa phương có diện tích chè đứng thứ 2 cả nước

Đối với cây chè, tỉnh Hà Giang là địa phương có diện tích chè đứng thứ 2 cả nước với trên 20.500 ha, diện tích chè cho thu hoạch gần 18.300 ha, sản lượng hàng năm đạt 94.000 tấn, đặc biệt, cây chè Shan tuyết là cây trồng đặc sản của tỉnh. Trong đó, tổng diện tích chè toàn tỉnh được chứng nhận theo tiêu chuẩn VIETGAP là trên 11.800 ha, diện tích chè hữu cơ là hơn 7.000 ha. Đây là cơ sở giúp Hà Giang xây dựng thành công thương hiệu chè Shan tuyết được thị trường trong và ngoài nước đón nhận.

Sản phẩm chè Hà Giang đã được người tiêu dùng ưa chuộng

Ngành chăn nuôi của tỉnh chủ yếu quảng canh, quy mô nông hộ, vì vậy các sản phẩm bò vàng, lợn đen, mật ong Bạc Hà là những sản phẩm đặc thù có chất lượng cao, có lợi thế của tỉnh. Nhờ đó, sản phẩm bò vàng được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho 6 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Xín Mần, cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý sản phẩm mật ong bạc hà Mèo Vạc cho 4 huyện khu vực công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Người dân thu hoạch mật ong Bạc hà

Tuy nhiên, việc đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như: Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong nông nghiệp còn chưa đồng bộ. Biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, xu hướng tiêu dùng sản phẩm sạch, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là những thành thức không nhỏ đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Để đưa nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, từng bước nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất. Kỳ vọng rằng, đến năm 2030 ngành Nông nghiệp của tỉnh sẽ có đột phá, phát triển quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn cũng như kinh tế xã hội của tỉnh ngày càng khởi sắc.

Hải Yến - Văn Thao


Ý kiến bạn đọc