Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Hà Giang: Xây dựng Đề án chuyển đổi đất nông nghiệp trồng ngô sang trồng cây khác có giá trị kinh tế cao

21:41, 29/09/2023

Theo báo cáo, toàn tỉnh hiện có gần 54.700ha ngô, năng suất bình quân đạt 37 tạ/ha. Thế nhưng, giá trị của cây ngô không cao chỉ từ 25 đến 30 triệu đồng/ha/1 vụ. Theo đó, tỉnh đang xây dựng dự thảo Đề án chuyển đổi đất nông nghiệp trồng ngô sang trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2023. Đề án sẽ được thực hiện ở 4 huyện vùng cao nguyên đá và 2 huyện phía tây Hoàng Su Phì, Xín Mần.

Diện tích trồng ngô được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả

Giai đoạn 2012 đến năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình chuyển đổi từ cây ngô sang cây, con khác mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Nhiều nơi còn hình thành vùng sản xuất hàng hóa giá trị cao như chuyển đổi cây ngô sang trồng cây ăn quả ôn đới, cây ăn quả có múi, cây hoa phục vụ du lịch, cây cỏ phục vụ chăn nuôi.

Theo số liệu thống kê, xã Thanh Vân hiện có trên 350ha cỏ chăn nuôi, chủ yếu là cỏ VA 06 và cỏ voi. Những diện tích thuận lợi đã được người dân chuyển đổi sang trồng cỏ chăn nuôi. Đề án chuyển đổi đất nông nghiệp trồng ngô sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn xây dựng dự thảo cũng nhằm mục tiêu nâng cao giá trị kinh tế cho người nông dân ở 4 huyện vùng cao và 2 huyện phía tây. Các địa phương đều đang đồng tình với đề án đang được xây dựng dự thảo.

Diện tích trông cây ngô chuyển sang trồng cỏ chăn nuôi
Theo đề án, mục tiêu chuyển đổi thành công trên 2.000 ha đất trồng ngô sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Thu nhập trên đơn vị diện tích sau chuyển đổi tăng ít nhất 20% so với trước khi chuyển đổi. Cây ngô vẫn sẽ được duy trì trên 52.000ha. Những diện tích này sẽ được áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất.

Nguồn lực, chính sách sẽ được lồng ghép với 3 chương trình MTQG và nguồn vốn sự nghiệp khác. Các ngành chuyên môn sẽ đánh giá sâu ưu điểm, hạn chế của cây ngô để đảm bảo tính khả thi của đề án. Điều quan trọng, các ngành chuyên sẽ phải lựa chọn đúng, trúng cây, con có giá trị để thay thế diện tích trồng ngô kém hiệu quả. Chuyển đổi phù hợp sẽ không mất đi giá trị riêng có của Hà Giang. Cây ngô vẫn sẽ tồn tại trong đời sống của người dân. Tri thức canh tác trên hốc đá vẫn sẽ còn được gìn giữ và phát huy./.

Thu Hoài – Tiến Thành


Ý kiến bạn đọc