Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Giữ vùng chè trọng điểm ở huyện Vị Xuyên

11:26, 02/10/2023

Thị trấn Việt Lâm được coi là vùng chè trọng điểm của huyện Vị Xuyên và đã có thời điểm đứng trước nguy cơ bị phá bỏ do người dân không tìm được đầu ra ổn định, giá bán sản phẩm xuống thấp. Để cây trồng này không mất đi vai trò chủ lực, Tổ hợp tác sản xuất và chế biến chè đã được thành lập và tiến hành liên kết chặt chẽ với các hộ dân, đảm bảo đầu ra, giá thành để giữ vững vùng chè của thị trấn nông trường.

Một phần diện tích chè Thị trấn nông trường Việt Lâm

Thị trấn nông trường Việt Lâm như tên gọi trước đây là vùng sản xuất chè của những người dân khai hoang xây dựng kinh tế mới. Anh Trịnh Trọng Tuyến sinh ra và lớn lên trong một gia đình gắn bó với những đồi chè trải dài, xanh ngút tầm mắt. Gia đình anh cũng như 1/3 số dân của thị trấn sống dựa vào cây chè. Không ai nghĩ rồi cũng có ngày, người dân muốn phá bỏ những đồi chè để trồng những cây khác.

Người dân thu hái chè
Anh Trịnh Trọng Tuyến - Thị trấn Nông trường Việt Lâm thu hái chè

Dịch bệnh Covid-19 hoành hành từ cuối năm 2019, giá chè xuống thấp, đầu ra không ổn định chính là lý do người dân muốn chuyển đổi cây chè sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Anh Tuyến lúc bấy giờ đang lập nghiệp thành phố Hồ Chí Minh và nhận thấy tiềm năng tiêu thụ sản phẩm chè rất lớn ở khu vực miền Tây Nam Bộ. Anh trở về quê hương với quyết tâm khôi phục vùng chè, mở xưởng sản xuất, thu mua sản phẩm và liên kết cung ứng cho thị trường trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long. Sau nhiều năm hoạt động với tư cách cơ sở kinh doanh cá thể, tháng 5 năm 2022, anh Tuyến thành lập Tổ hợp tác dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các ngành chức năng. Tổ sản xuất, chế biến chè cho đến nay không chỉ liên kết với các hộ dân ở thị trấn mà còn mở rộng ở các xã Ngọc Linh, Trung Thành, huyện Vị Xuyên.

Những người trồng chè đã khôi phục lại diện tích, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, chất lượng. Họ lại có được việc làm, mức thu nhập ổn định hằng năm. Không những thế, nhiều người dân địa phương còn trở thành công nhân lành nghề ở xưởng sản xuất và chế biến chè như bà Nguyễn Thị Viện. Bà Viện vừa trồng chè liên kết với Tổ hợp tác, vừa tranh thủ lúc nông nhàn làm việc ở xưởng. Mỗi tháng bà có thêm mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng.

Thu mua chè búp tươi, sơ chế nguyên liệu và vận chuyển tiêu thụ ở thị trường miền Nam, Tổ hợp tác sản xuất và chế biến chè do anh Tuyến đứng đầu đang hướng đến sản xuất dòng sản phẩm tinh chế, cao cấp. Bước đầu Tổ hợp tác đã thử nghiệm đưa ra thị trường sản phẩm chè móc câu và nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng. Mô hình liên kết tập thể này đang mang lại hiệu quả rõ nét khôi phục, giữ vững vùng chè trọng điểm là nguồn sinh kế của rất nhiều hộ dân nơi đây./.

Hương Giang – Văn Bính


Ý kiến bạn đọc