Ngày 18/11, tại Trung tâm hội nghị huyện Đồng Văn, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Giang phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và UBND huyện Đồng Văn tổ chức Hội thảo khoa học: Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” cho sản phẩm mật ong Bạc hà tỉnh Hà Giang. Đây là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học và Hiệp hội nuôi ong của tỉnh cùng đánh giá, nhìn nhận kết quả hoạt động quản lý, phát triển, sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật ong Bạc hà của tỉnh những năm qua; chỉ ra những hạn chế, kinh nghiệm và đề xuất giải pháp nhằm tạo đột phá trong hoạt động quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Mật ong Bạc hà của tỉnh thời gian tới.
Toàn cảnh hội thảo |
Dự hội thảo lần này, lãnh đạo Trung tâm phát triển thiên nhiên và Công nghệ-thiết bị trực thuộc Viện hóa học các hợp chất thiên nhiên Việt Nam khẳng định: Mật ong Bạc Hà Hà Giang là sản phẩm thiên nhiên đặc hữu, riêng có ở Hà Giang, sản phẩm Mật ong Bạc hà có giá trị dinh dưỡng cao đến từ thiên nhiên, có khả năng chống ô xy hóa và kháng khuẩn. Việc được cấp chứng nhận địa lý cho khu vực 4 huyện vùng cao bao gồm: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ là cơ hội để tỉnh giới thiệu sản phẩm đặc thù này với thị trường trong nước và Quốc tế, từng bước nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm.
Các đại biểu thảo luận bên lề Hội thảo |
Chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” dùng cho sản phẩm Mật ong Bạc Hà của tỉnh Hà Giang đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý số 00035 theo Quyết định 316, ngày 1.3.2013 của Cục Sở hữu trí tuệ. Việc sản xuất mật ong gắn liền với cây Bạc hà được phân bố theo những vùng địa lý nhất định. Mật ong mang Chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” có nguồn gốc thực vật hoa Bạc hà quý hiếm, không chỉ có lợi cho sức khỏe mà còn có nhiều đặc tính biệt dược quý. Sản phẩm gắn liền với đời sống của người dân và các hoạt động văn hóa du lịch trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Theo các chuyên gia về Ong quốc tế khẳng định: Đây là cơ hội để Hà Giang quảng bá, giới thiệu và khai thác tiềm năng du lịch từ việc mở các tuyến du lịch “tham quan ong” tham gia trải nghiệm chăm sóc, lấy mật ong... và các hoạt động liên quan đến ong có thể được đề xuất như những tua du lịch khám phá phục vụ du khách.
Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách để triển khai, thực hiện nhằm bảo hộ đàn ong địa phương tại các khu vực được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, ngăn ngừa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ.... Chỉ đạo các cơ sở sản xuất và kinh doanh mật ong Bạc hà tại địa phương quan tâm xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chú trọng công tác quản lý chất lượng sản phẩm. Nhất là việc xây dựng và bảo vệ thành công Chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” dùng cho sản phẩm Mật ong Bạc Hà của tỉnh là cơ hội giúp các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm Mật ong Bạc Hà có cơ hội phát triển du lịch khám phá từ sản phẩm thiên nhiên đặc hữu này.
Từ khi được cấp Chỉ dẫn địa lý, mật ong bạc hà của Hà Giang không ngừng được mở rộng vùng sản xuất, nâng cao giá trị cũng như tạo dựng được thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Nghề nuôi ong khai thác phấn hoa cây Bạc hà đã góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc trên vùng cao nguyên đá. Tuy nhiên, các cấp, ngành, nhà quản lý và các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh sản phẩm Mật ong Bạc Hà cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm mật ong Bạc hà; phát triển du lịch gắn với khai thác sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao; định hướng phát triển cây Bạc hà phục vụ nuôi ong mật trong vùng chỉ dẫn địa lý; Đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, phối hợp chặt trẽ với các địa phương quản lý tốt chất lượng mật ong Bạc hà tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá…
Đình Anh
Ý kiến bạn đọc