Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Mèo Vạc: Thành công bước đầu từ mô hình chuyển đổi trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây sắn

16:14, 25/06/2024

Được chính quyền địa phương, các ngành tuyên truyền vận động, hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật; người dân xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây sắn.

Lãnh đạo Công an huyện Mèo Vạc, lãnh đạo xã Niêm Tòng thăm diện tích trồng sắn của gia đình anh Vàng Mí Dờ, thôn Pó Qua, xã Niêm Tòng (Mèo Vạc).

Niêm Tòng là xã núi đất của huyện vùng cao Mèo Vạc, địa phương này có gần 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, cây trồng chủ yếu của bà con vẫn chỉ là trồng cây ngô địa phương. Thực hiện Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ cũng như Nghị quyết của Đảng bộ xã Niêm Tòng về vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả hơn. Để hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững, là đơn vị được phân công phụ trách xã Niêm Tòng, Công an huyện Mèo Vạc đã phối hợp với chính quyền xã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế; đặc biệt chú trọng việc chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương.

Anh Vàng Mí Dờ, thôn Pó Qua, xã Niêm Tòng (Mèo Vạc) chăm sóc vườn sắn của gia đình.

Gia đình anh Vàng Mí Dờ, thôn Pó Qua là một trong 2 hộ gia đình được lựa chọn làm điểm, khi được tuyên truyền anh đã mạnh dạn chuyển đổi 0,5ha diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng thử nghiệm cây sắn; từ 0,5ha diện tích trồng thử nghiệm ban đầu, sau gần 3 năm, đến nay gia đình anh đã quyết định chuyển đổi toàn bộ 2ha diện tích đất trồng ngô sang trồng cây sắn.

Với 2ha trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay toàn xã Niêm Tòng đã có 225 hộ gia đình tại 5 thôn chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây sắn với tổng diện tích hơn 76ha.

“Tôi thấy trồng cây sắn hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần trồng cây ngô, đặc biệt là trồng sắn có thương lái đến tận vườn thu mua; giờ bà con trong thôn đều chuyển đổi từ trồng cây ngô sang cây sắn”, anh Vàng Mí Dờ, cho biết.

Lãnh đạo Công an huyện Mèo Vạc, lãnh đạo xã Niêm Tòng kiểm tra diện tích gieo trồng cây khoai lệ phố tại thôn Pó Pi A, xã Niêm Tòng (Mèo Vạc)

Còn tại thôn Pó Pi A, gia đình bà Sùng Thị Chúa là một trong những hộ nghèo của thôn, gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Gia đình có nhiều diện tích đất để gieo trồng nhưng do không có kỹ thuật cũng như kinh nghiệm, trước kia gia đình chỉ trồng ngô một vụ nên thu nhập không cao. Nhận thấy việc trồng cây khoai Lệ Phố phù hợp nên công an huyện đã hỗ trợ 100% giống cho hộ gia đình.

Cây sắn phù hợp với vùng đồi núi của xã Niêm Tòng.

Để hỗ trợ gia đình bà Chúa, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Mèo Vạc, Công an xã Niêm Tòng và cán bộ xã Niêm Tòng tham gia hỗ trợ hộ gia đình bà Chúa làm đất, gieo trồng cây khoai Lệ Phố với diện tích hơn 1,5ha. Hiện nay, cây trồng đang sinh trưởng phát triển tốt.

Bà Sùng Thị Chúa, chia sẻ: “Tôi hy vọng đây sẽ là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế và là hướng giúp gia đình tôi xóa đói, giảm nghèo”.

Theo ông Nguyễn Văn Vàng, Bí thư Đảng ủy xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc: Khi thấy gia đình anh Vàng Mí Dờ thực hiện trồng cây sắn cho hiệu quả kinh tế cao hơn cây ngô, sau gần 3 năm từ 2 hộ trồng thử nghiệm với 2ha ban đầu, đến nay toàn xã đã có 225 hộ gia đình tại 5 thôn chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây sắn với tổng diện tích hơn 76ha.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Vàng việc trồng cây sắn phù hợp vùng đồi núi của xã; đây là loại cây có thể tăng thu nhập cho bà con hơn là trồng cây ngô.

Trung tá Giàng Xuân Thắng, Trưởng Công an huyện Mèo Vạc cho biết: “Ngoài việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang các loại cây trồng chủ lực, tiềm năng, có giá trị kinh tế cao; thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương cũng như doanh nghiệp tìm đầu ra, bao tiêu sản phẩm cho bà con cũng như chế biến các sản phẩm từ cây sắn để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Có thể thấy, việc chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây trồng chủ lực, tiềm năng là nhiệm vụ quan trọng để giúp người nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một diện tích canh tác, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng thu nhập cho nông dân. Đồng thời, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bài, ảnh: Hà Linh (Mèo Vạc)


Ý kiến bạn đọc