Là huyện có nhiều lợi thế về phát triển rừng kinh tế, vì vậy trên địa bàn huyện Vị Xuyên đã hình thành nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh lâm sản tăng thu nhập cho người lao động. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý để các cơ sở sản xuất chế biến lâm sản vào hoạt động đúng quy định. Tạo môi trường thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cấp uỷ, chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm tiến hành kiểm tra hoạt động sản xuất |
Cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh lâm sản của hộ gia đình anh Đặng Duy Tân, thôn Trung Sơn, xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên là một trong những cơ sở chuyên thu mua nguồn nguyên liệu từ gỗ rừng trồng để sản xuất, chế biến ván bóc chủ yếu là keo, bồ đề, mỡ, xoan… Công suất bình quân mỗi ngày, cơ sở sản xuất ván bóc khoảng 15 khối gỗ, tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 6 lao động, với mức thu nhập từ 8 – 9 triệu đồng/tháng. Hiện, sản phẩm ván bóc của cở sở được xuất chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh chế biến gỗ, cơ sở luôn hoạt động theo đúng Giấy phép kinh doanh với đầy đủ giấy tờ về nguồn gốc nguyên liệu và sản xuất theo đúng quy định của pháp luật.
Cấp uỷ, chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm tiến hành kiểm tra hoạt động sản xuất |
Để quản lý các cơ sở sản xuất chế biến lâm sản thực hiện đúng giấy phép kinh doanh theo quy định của pháp luật. Cấp uỷ, chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm tiến hành kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở cũng như việc chấp hành các quy định của pháp luật về nguồn gốc xuất, nhập lâm sản, cũng như cam kết bảo vệ môi trường, nghĩa vụ nộp thuế...
Các cơ sở hoạt động theo đúng Giấy phép kinh doanh |
Hiện, trên địa bàn huyện Vị Xuyên có tổng số 87 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh lâm sản; trong đó chủ yếu là các cơ sở chế biến ván bóc và băm dăm, ngoài ra là các cơ sở xẻ thuê và đóng đồ mộc dân dụng. Nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động đối với các cơ sở này, Hạt Kiểm Lâm huyện Vị Xuyên thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ 1 lần/tháng về nguồn nguyên liệu đầu vào, hồ sơ lưu thông lâm sản, các hoạt động buôn bán, vận chuyển, đảm bảo đưa vào chế biến, lưu thông có nguồn gốc hợp pháp. Đồng thời phối hợp với các đơn vị chuyên môn kiểm tra, đảm bảo các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh lâm sản hoạt động đúng theo Giấy phép kinh doanh và thực hiện cam kết bảo vệ môi trường; phòng cháy, chữa cháy./.
Ngọc Hải – Công Sáu
Ý kiến bạn đọc