Trước diễn biến phức tạp của dịch Tả Lợn Châu Phi trên địa bàn. Huyện Quản Bạ đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó huyện Quản Bạ là địa phương đầu tiên trong tỉnh triển khai tiêm phòng vắc xin phòng dịch Tả lợn Châu Phi.
Huyện Quản Bạ triển khai tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh Tả lợn Châu phi tại xã Tùng Vài |
Toàn huyện Quản Bạ hiện có tổng đàn lợn là trên 39.000 con. Trên cơ sở nhận được sự đồng thuận, đồng tình từ phía người chăn nuôi trên địa bàn huyện. Qua sự tư vấn về chuyên môn từ Chi cục thú y tỉnh, UBND huyện Quản Bạ đã đặt 4.000 liều vắc xin phòng bệnh Dịch Tả Lợn Châu Phi chủng ASFV- G- Delta 177 của công ty CP thuốc thú y Trung ương NAVETCO- Việt Nam; chương trình sản xuất vắc xin của công ty là sự hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Nông nghiệp Mỹ; loại vắc xin này đã được cấp phép sản xuất thương mại.
Quá trình tiêm đảm bảo các biện pháp phòng dịch không để lây chéo mầm bệnh |
Ông Hà Nguyễn Huân, Giám đốc công ty NAVETCO- Việt Nam chi nhánh Hà Nội cho biết: Loại vắc xin phòng bệnh Dịch Tả Lợn Châu Phi chủng ASFV- G- Delta 177 của Công ty đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép sản xuất thương mại vào tháng 6 năm 2022; hiện 62 tỉnh, thành phố trên cả nước đã sử dụng vắc xin này, tuy nhiên mới chỉ sử dụng ở các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ. Trong đó huyện Quản Bạ là huyện đầu tiên của tỉnh Hà Giang tiến hành tiêm loại vắc xin này; trong quá trình sản xuất và đưa vắc xin đến người chăn nuôi, công ty rất quan tâm đến vấn đề chất lượng và an toàn sinh học; để từ đó tạo ra virut kháng thể chống lại mầm bệnh dịch Tả lợn Châu Phi.
Gia đình anh Hầu Thìn Hà có 08 con lợn trọng lượng khoảng từ 10 kg/ con, hiện tại thể trạng sức khỏe đàn lợn của gia đình khỏe mạnh; sau khi được xã triển khai về loại vắc xin phòng bệnh Dịch Tả Lợn Châu Phi tại buổi họp thôn. Anh Hà là người tiên phong đầu tiên của thôn Suối Vui, xã Tùng Vài đăng ký tiêm cho đàn lợn. Cùng với đó, công tác tiêu độc, khử trùng bằng hóa chất, vôi bột cũng được anh gia đình anh Hầu Thìn Hà thực hiện 3 lần/ tuần.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ Phạm Ngọc Pha trao đổi với phóng viên |
Chia sẻ thêm với phóng viên, anh Hầu Thìn Hà, thôn Suối Vui, xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ cho hay: Bản thân tôi là một đảng viên, một Bí thư Chi bộ thôn Suối Vui; sau khi được UBND xã tuyên truyền về biện pháp tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dịch Tả Lợn Châu Phi; tôi rất đồng tình và đăng ký tiêm, kinh phí kiêm 55.000đ/liều, gia đình xã hội hóa đóng góp; trong quá trình tiêm xong gia đình được hướng dẫn theo dõi thể trạng vật nuôi.
Đến nay, công ty CP thuốc thú y Trung Ương NAVETCO- Việt Nam đã cung ứng cho huyện Quản Bạ là 3.000 liều; cách dùng và liều dùng vắc xin đã được công ty phối hợp với chi cục thú y tỉnh hướng dẫn thú y huyện, thú y xã thực hiện theo đúng quy trình; đối tượng tiêm là lợn con từ 4 tuần tuổi, tiêm 01 mũi 1 liều/con và theo dõi Lợn sau 21- 30 ngày tiêm mũi 1. Loại vắc xin này chống chỉ định không tiêm cho Lợn nái, Lợn nái mang thai, con Lợn đực giống; không tiêm cho Lợn có thể trạng yếu, đang sốt, bị bệnh mãn tính và ăn uống kém. Được biết, kinh phí thực hiện mua vắc xin được xã hội hóa từ phía nhân dân 100%.
Trao đổi cụ thể về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ Phạm Ngọc Pha cho biết thêm: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Tả Lợn Châu Phi, chúng tôi đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, với thời cùng tập quán chăn nuôi của người dân tại huyện vẫn mang hướng truyền thống nên dẫn đến công tác phòng, chống dịch bệnh hết sức khó khăn; từ thực tiễn đó chúng tôi tuyên truyền, vận động người dân sử dụng liệu pháp vắc xin phòng bệnh Tả lợn Châu phi là biện pháp căn cơ, hiệu quả. Tuy nhiên với liệu pháp vắc xin trên địa bàn tỉnh Hà Giang chưa có huyện, thành phố nào triển khai, do đó huyện Quản Bạ triển khai đầu tiên cũng là một cái khó khăn. Chúng tôi rất thận trọng trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện xã hội hóa kinh phí mua vắc xin tiêm cho đàn lợn nhà mình; trong quá trình tiêm có thể xảy ra những tình huống không mong muốn như con lợn đã nhiễm bệnh khi tiêm có khả năng chết; vì vậy các hộ gia đình tự cam kết chịu trách nhiệm trước tài sản của mình. Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo tổ giúp việc của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Tả lợn Châu phi của huyện phổ biến kỹ thuật tiêm chặt chẽ đến cán bộ, đội ngũ thú y tại cơ sở và các hộ gia đình tiêm trong đợt này; để tránh việc lây chéo mầm bệnh dịch Tả lợn Châu phi.
Việc triển khai tiêm vắc xin phòng phòng bệnh Dịch Tả Lợn Châu Phi chủng ASFV- G- Delta 177 sẽ là một trong những giải pháp nhằm nâng cao thể trạng, tạo sức đề kháng cho đàn Lợn trước vi rút dịch Tả Lợn Châu Phi. Sau tiêm, UBND huyện Quản Bạ chỉ đạo các địa phương có giấy theo dõi tình trạng sức khỏe của đàn lợn sau 21- 30 ngày tiêm để đánh giá hiệu quả của vắc xin. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền đến người chăn nuôi trên địa bàn huyện tiếp tục xã hội hóa với 55.000đ/liều vắc xin để tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
Bài, ảnh: Hoàng Chính (Quản Bạ)
Ý kiến bạn đọc