Những năm gần đây cùng với trồng các cây nông nghiệp chủ lực như: Thảo quả, lúa nương, ngô... người dân xã biên giới Lao Chải, huyện Vị Xuyên đã và đang trồng cây Sa nhân tím dưới tán rừng, bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.
Sa nhân được người dân trồng dưới tán rừng nguyên sinh như Thảo quả vừa có giá trị kinh tế vừa góp phần bảo vệ rừng. |
Nhận thấy Sa nhân tím là loại cây thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác của người dân, lại có giá trị kinh tế cao do vậy từ năm 2021, người dân xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên đã thử trồng thử nghiệm dưới tán rừng nguyên sinh. Đến nay, sau gần 4 năm toàn xã đã có 33ha Sa nhân, chủ yếu tập trung 2 thôn giáp biên là Bản Phùng và Lùng Chư Phùng. Thời gian này, bà con đang rất phấn khởi thu hoạch vụ quả Sa nhân chính vụ. Hiện diện tích Sa nhân đang cho thu hoạch khoảng 3ha, năng suất bình quân 4,5 tạ/ha quả tươi, giá thương lái thu mua từ 75-80 nghìn đồng/kg tươi, 450-500 nghìn đồng/kg khô.
Người dân thôn Lùng Chư Phùng, xã Lao Chải phấn khởi thu hoạch Sa nhân tím dưới tán rừng |
Người dân xã Lao Chải cho biết, cây Sa nhân tím dễ trồng, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, tốn ít công chăm sóc, giá bán cao, cây trồng sau 2 - 3 năm bắt đầu cho thu hoạch và rễ cây lan tới đâu thì diện tích trồng sa nhân được mở rộng tới đó, nếu chăm sóc tốt, có thể thu hoạch trong thời gian 10 - 12 năm. Cây Sa nhân tím ra hoa từ tháng 4 - 5, đậu quả trong tháng 6 và đến đầu tháng 8 – 9 thì thu hoạch.
Người dân thôn Lùng Chư Phùng, xã Lao Chải phấn khởi thu hoạch Sa nhân tím dưới tán rừng |
Ðể giúp cây sinh trưởng tốt, bà con cần làm cỏ từ 2 - 3 lần/năm, lần đầu làm cỏ trước lúc ra hoa, dọn sạch cỏ dại, giúp cho cây có đủ khoảng trống tạo điều kiện thuận lợi cho cây ra hoa, đậu quả. Làm cỏ lần 2 vào lúc đã hái quả, làm sạch cỏ dại và tỉa bỏ các cây già, vun đất, giữ cho đất ẩm, giảm bớt sự bốc hơi nước, lúc làm cỏ chú ý không làm tổn thương cây.
Ngoài hiệu quả kinh tế cao, Sa nhân tím còn góp phần hạn chế tình trạng cháy rừng vì cây chứa nhiều nước. Việc tận dụng trồng xen giữa các loại cây hoặc trồng dưới tán rừng còn giải quyết được tình trạng rửa trôi và xói mòn đất, tạo nên thảm thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng tự nhiên./.
Quỳnh Anh (Vị Xuyên)
Ý kiến bạn đọc