Xác định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tỉnh Hà Giang đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, công tác truyền thông chính là yếu tố quan trọng giúp người nghèo nắm vững, hiểu đúng và đầy đủ về các chính sách hỗ trợ, từ đó tiếp cận các nguồn lực, mô hình hay để áp dụng vươn lên thoát nghèo bền vững.
Công tác truyền thông chính là yếu tố quan trọng giúp người nghèo nắm vững, hiểu đúng và đầy đủ về các chính sách hỗ trợ |
Hà Giang là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước tổ chức cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025. Cuộc thi diễn ra trong 3 tuần liên tục, bắt đầu từ giữa tháng 10 năm 2024 thu hút trên 131.000 lượt người tham gia thi. Nội dung thi tập trung vào các kiến thức chuẩn nghèo đa chiều; các quy định, cơ chế chính sách về giảm nghèo bền vững; quy định của tỉnh về triển khai chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn 7 huyện nghèo.
Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 diễn ra trong 3 tuần liên tục |
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã chú trọng biên soạn, phát hành các tin bài, tuyên truyền về chính sách, chương trình giảm nghèo, về gương điển hình hộ nghèo làm kinh tế giỏi vươn lên thoát nghèo, các tổ chức, đoàn thể, cá nhân thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Điển hình như Đài PT - TH Hà Giang đã xây dựng chuyên đề giảm nghèo bền vững với thời lượng 15 phút và đã phát sóng hàng nghìn tin, bài, phóng sự truong chương trình Thời sự về giảm nghèo, tạo sức lan tỏa trong đời sống.
Giai đoạn 2021 - 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 55,12% xuống còn 38,21% |
Với sự đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo và thực hiện truyền thông hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở, công tác giảm nghèo thời gian qua của tỉnh Hà Giang đạt nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2021 - 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 55,12% xuống còn 38,21%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 22,8 triệu đồng lên 31,7 triệu đồng/năm; cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Những kết quả này có sự đóng góp tích cực của công tác truyền thông, giúp xóa nghèo từ tư tưởng, nếp nghĩ, cách làm. Từ đó, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, của địa phương với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau./.
Phương Duyên- Phạm Lực
Ý kiến bạn đọc