Với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng cao nguyên đá, việc trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng luôn được xem là hướng đi chính giúp đồng bào ở huyện Đồng Văn xóa đói, giảm nghèo.
Hiện nay 100% thôn bản ở xã Thài Phìn Tủng đều có mô hình nuôi bò nhốt chuồng với 1.200 con bò |
Năm 2024, gia đình chị Sùng Thị Sùng, thôn Ha Bua Đa, xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội mua 2 con bò về nuôi. Sau khoảng 4 - 6 tháng nuôi vỗ béo, chị bán giá mỗi con bò là từ 20 - 25 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình chị Sùng thu lãi khoảng 7 triệu đồng trên lứa.
Hiện nay 100% thôn bản ở xã Thài Phìn Tủng đều có mô hình nuôi bò nhốt chuồng với 1.200 con bò. Việc nuôi bò vỗ béo theo hướng hàng hoá ở xã Thài Phìn Tủng đã và đang tạo sinh kế bền vững cho các hộ dân và mở ra cơ hội thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống khá giả cho người dân.
Để duy trì tốc độ tăng trưởng đàn bò, nâng cao giá trị gia tăng của thịt bò vàng, huyện Đồng Văn đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã để giới thiệu, quảng bá, thiêu thụ sản phẩm cho người dân. Đồng thời triển khai thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị bò vàng Đồng Văn tại xã Sủng Là, Lũng Táo, Phố Cáo, Ma Lé với tổng kinh phí trên 2,8 tỷ đồng. Cho đến nay, tổng đàn bò toàn huyện đạt trên 29.800 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên 1.280 tấn, giá trị sản xuất khoảng 110 tỷ đồng.
Đến nay, tổng đàn bò toàn huyện Đồng Văn đạt trên 29.800 con |
Trường Giang- Tiến Thành
Ý kiến bạn đọc