Từ năm 2022 đến nay, tỉnh Hà Giang đã giảm được hơn 20.000 hộ nghèo. Đây không chỉ là con số biết nói, mà còn là minh chứng rõ ràng cho sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng của người dân trong việc thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
![]() |
Tháng 7 năm 2023, gia đình ông Thào Mí Vừ được hỗ trợ mua 5 con lợn giống |
Một trong những hộ dân hưởng lợi từ chương trình mục tiêu quốc gia là gia đình ông Thào Mí Vừ, thôn Mã Hồng, xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ. Tháng 7 năm 2023, ông được hỗ trợ mua 5 con lợn giống từ dự án 3, tiểu dự án 2 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Nhờ chăm sóc tốt, đàn lợn của gia đình ông đã sinh trưởng nhanh, giúp ông xuất chuồng được 3 lứa và duy trì đàn trên 10 con. Đó là bước ngoặt giúp gia đình ông cải thiện thu nhập và dần thoát nghèo.
![]() |
Ông Thào Mí Vừ, thôn Mã Hồng, xã Thanh Vân trả lời phỏng vấn phóng viên Đài PT-TH Hà Giang |
Tại xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, ông Phàn Văn Phòng, thôn Tân Sơn cũng được hỗ trợ 2 con bò cái sinh sản vào tháng 11/2024 từ tiểu dự án 3 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay, bò đã sinh được một bê con khỏe mạnh. Việc hỗ trợ đúng nhu cầu đã giúp gia đình ông cùng nhiều hộ trong thôn mở rộng chăn nuôi, tạo ra nguồn sinh kế ổn định.
![]() |
Ông Phàn Văn Phòng, thôn Tân Sơn cũng được hỗ trợ 2 con bò cái sinh sản vào tháng 11/2024 |
![]() |
Từ năm 2022 đến nay, tỉnh Hà Giang đã giảm được hơn 20.000 hộ nghèo |
Từ năm 2021 đến 2024, tỉnh Hà Giang đã được phân bổ gần 2.724 tỷ đồng để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 2.640 tỷ đồng, còn ngân sách địa phương đối ứng hơn 83,6 tỷ đồng; 100% nguồn vốn đã được phân bổ kịp thời tới các địa phương và đơn vị triển khai.
![]() |
Thời gian tới, người dân sẽ tiếp tục được tiếp cận với nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị |
Việc hỗ trợ sản xuất gắn với nhu cầu thực tiễn của người dân đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Những mô hình hỗ trợ sản xuất được triển khai ngày càng linh hoạt, sáng tạo hơn. Điều này khẳng định, chương trình mục tiêu quốc gia đang từng bước tạo dựng sinh kế bền vững cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn. Trong thời gian tới, người dân sẽ tiếp tục được tiếp cận với nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, hướng đến mục tiêu thoát nghèo một cách bền vững và lâu dài./.
Hải Yến- Ngọc Hải
Ý kiến bạn đọc