Cách đây 75 năm, ngày 6/1/1946, một sự kiện trọng đại của dân tộc đã diễn ra, đó là ngày Tổng tuyển cử, toàn dân đi bầu Quốc hội khóa I của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kỷ niệm 75 năm ngày Tổng tuyển cử, chúng ta cùng nhìn lại bối cảnh của sự kiện đặc biệt trọng đại này của đất nước…
Trong ngày tổng tuyển cử, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 89% ( Ảnh: Tư liệu) |
Cách mạng Tháng 8 thành công. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, chính thức khai sinh Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tiền thân của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Sau đó chỉ một ngày, ngày 3/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị một trong những nhiệm vụ cấp bách cần phải được thực hiện ngay là: “…tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội.
Toàn cảnh buổi gặp mặt kỷ niệm 75 năm Quốc hội Việt Nam và tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021 tại Hà Giang |
Theo sắc lệnh số 51 gồm 12 khoản, 70 điều do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký thì ngày bầu cử là ngày 23/12/1945. Song, để chuẩn bị chu đáo, cuộc Tổng tuyển cử được lùi lại đến ngày 6/1/1946. Trong ngày tổng tuyển cử, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 89%; số đại biểu quốc hội khóa 1 được bầu là 333 người, có 70 đại biểu không qua bầu cử, tổng số đại biểu Quốc hội khóa 1 là 403 người. Quốc hội khóa 1 họp kỳ đầu tiên vào ngày 2/3/1946 và có 12 kỳ họp toàn khóa. Đặc biệt, Quốc hội khóa I đã xem xét, thông qua hai bản Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, 16 đạo luật, 50 nghị quyết và ba chính phủ liên hiệp do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa I là nhiệm kỳ Quốc hội dài nhất cho đến nay với 14 năm, từ 1946 đến 1960. Tại kỳ họp thứ 12, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá "Quốc hội ta đã hết lòng vì dân vì nước, đã làm trọn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu của nhân dân".
Thanh Giang- Đức Mạnh