Việc tỉnh Hà Giang phối hợp với Tập đoàn FPT tổ chức hội thảo Chuyển đổi số chính là một trong những hoạt động thiết thực nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị khóa XII và Chương trình hành động của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến chuyển đổi số. Đây là bước đi rất quan trọng của tỉnh trong lộ trình chuyển đổi số và xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tạo cơ hội, động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong tương lai.
Toàn cảnh hội thảo chuyển đổi số và ký kết hợp tác chuyển đổi số tỉnh Hà Giang |
Định hướng phát triển trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nêu rõ: Đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số. Như vậy, trước mắt và lâu dài, chuyển đổi số sẽ tác động ngày càng sâu rộng, bao trùm lên các ngành, lĩnh vực và trên các mặt phát triển của đời sống kinh tế, xã hội của tỉnh.
Ở góc độ vĩ mô, chuyển đổi số là một chuỗi các hoạt động, quá trình hoàn chỉnh áp dụng số hóa và ứng dụng số hóa nhưng ở một cấp độ cao hơn để tạo ra phương thức, cách thức làm việc mới. Nói thì trừu tượng, nhưng ở cấp độ vi mô, cụ thể như hoạt động tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Hà Giang thì rất rõ ràng. Ở đây, cách thức, quy trình cung cấp dịch vụ công truyền thống bằng văn bản giấy đã được chuyển đổi sang cách thức, quy trình mới, đó là số hóa văn bản và thực hiện nhiều quy trình trên môi trường mạng.
Mạng lưới viễn thông, Internet trên địa bàn tỉnh đã phủ sóng đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn |
Chuyển đổi số không chỉ là chuyển đổi công nghệ, xây dựng hạ tầng mà quan trọng hơn là chuyển đổi về tư duy. Đáng mừng là hiện nay, mạng lưới viễn thông, Internet trên địa bàn tỉnh đã phủ sóng đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn. Các cơ quan, đơn vị đều có hệ thống mạng nội bộ kết nối Internet băng thông rộng. Tỉnh Hà Giang cũng thực hiện tốt ứng dụng hệ thống một cửa điện tử tại tất cả các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Đồng thời, sử dụng rất hiệu quả hệ thống truyền hình trực tuyến từ tỉnh đến 193 xã, phường, thị trấn.
Các cơ quan, đơn vị đều có hệ thống mạng nội bộ kết nối Internet băng thông rộng |
Chuyển đổi số là một quá trình trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Do vậy, tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục khắc phục những khó khăn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quyết tâm thực hiện hiệu quả, đồng bộ 3 trụ cột của chuyển đổi số đó là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Góp phần thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra trong điều kiện biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch covid-19 đang còn diễn biến phức tạp, khó lường./.
Hoàng Gia- Hồng Hải
Ý kiến bạn đọc