Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã gây ra những tác hại rất to lớn đối với sức khỏe con người có thể còn kéo dài qua nhiều thế hệ. Giải quyết hậu quả của chất độc da cam, hàn gắn vết thương chiến tranh vừa là lương tâm, trách nhiệm, đạo lý đối với những người đã chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vừa là vấn đề xã hội nhân đạo. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã trở thành cầu nối gần gũi với biết bao nghĩa tình, để mang đến niềm vui, nghị lực, giúp cho các nạn nhân da cam vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao quà cho ông Hoàng Văn Phương, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang |
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Hà Giang được thành lập ngày 19.8.2005. Đây là tổ chức xã hội có tính chất đặc thù, nhằm vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam hòa nhập cộng đồng xã hội; tập hợp đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; giáo dục, động viên nạn nhân vượt khó vươn lên, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống và thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi của người công dân.
Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao xe lăn cho con ông Nguyễn Trọng Đải, thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên |
Đến nay, 7/11 huyện, thành phố, với 73/193 Hội cấp xã, phường thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được thành lập và đang hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào việc chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi của nạn nhân chất độc da cam. Tỉnh Hà Giang hiện có 1.004 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng; trong đó số trực tiếp: 768 người; số gián tiếp: 236 người; 16 người phục vụ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống ở gia đình. Đối tượng nạn nhân nghi nhiễm: 2.112 người, trong đó: đối tượng trực tiếp 1.165 người, đối tượng con thế hệ thứ 2 gián tiếp là 947 người, cháu thế hệ 3 là 241 người chưa được hưởng chế độ chính sách.
Xác định, công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, gia đình nạn nhân là trách nhiệm, nghĩa tình của tổ chức hội các cấp. Hình thức chăm sóc, giúp đỡ ngày càng đa dạng, mang tính bền vững. Các hình thức được áp dụng rộng rãi như thăm hỏi, tặng quà; trợ cấp thường xuyên, đột xuất; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; tặng các phương tiện sinh hoạt; hỗ trợ làm kinh tế, cho vay vốn sản xuất và hỗ trợ học bổng, học nghề; giúp làm nhà, sửa nhà; phục hồi chức năng. Nạn nhân chất độc da cam vừa mắc các bệnh hiểm nghèo, mạn tính, bị dị dạng, dị tật, nhiều gia đình nạn nhân còn thuộc diện hộ nghèo, nên đời sống không được ổn định, nhà ở còn tam bợ. Từ khi thành lập đến nay, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Giang vận động Quỹ nạn nhân chất độc da cam được hàng chục tỷ đồng. Hàng nghìn suất quà, trao tặng cho các gia đình nạn nhân trong dịp lễ tết và ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10/8.
Do làm tốt công tác tuyên truyền, nắm chắc các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở, nên tất cả các nạn nhân được hỗ trợ làm nhà, sửa chữa nhà đều đảm bảo đúng đối tượng, khách quan, minh bạch. Hỗ trợ cải thiện nhà ở theo Quyết định số 22, ngày 26/4/2013 của Thủ tướng chính phủ; trong đó hỗ trợ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học: nhà với số tiền 3,7 tỷ đồng, gồm xây mới 69 nhà với số tiền 2,835 tỷ đồng; sửa chữa 44 nhà với số tiền 865 triệu đồng. Hỗ trợ làm nhà ở theo Quyết định số 1953, ngày 25/7/2019 của Tỉnh ủy Hà Giang về chương trình hỗ trợ xây nhà ở kiên cố cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Hà Giang, trong đó đã hỗ trợ làm 58 nhà cho nạn nhân da cam với số tiền: 3.160 triệu đồng; Quỹ “đền ơn đáp nghĩa” cấp tỉnh hỗ trợ xây mới 3 nhà với số tiền 160 triệu đồng; cấp huyện hỗ trợ làm được 10 nhà với số tiền 280 triệu đồng. Tặng 112 sổ tiết kiệm với số tiền: 188,78 triệu đồng. Các doanh nghiệp và Câu lạc bộ tình người Sơn Lâm Hà Giang đã hỗ trợ làm được 92 nhà cho nạn nhân với tổng số tiền trên: 2.6 tỷ đồng; cấp huyện, thành Hội vận động hỗ trợ làm được 42 nhà với số tiền : 1.478 triệu đồng và 2.600 ngày công; giúp cho cuộc sống của các gia đình vơi đi khó khăn hơn.
Ngoài trợ giúp bằng tiền, các cấp Hội đã tư vấn, hỗ trợ các gia đình nạn nhân phát triền kinh tế gia đình; thông qua các nhóm hộ cùng chia sẻ kinh nghiệm để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ mua gần 100 trâu, bò giống và làm chuồng trại để chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Đối với cấp huyện, thành Hội hỗ trợ cho 16 gia đình nạn nhân phát triển kinh tế gia đình: 44.000.000đ và 521 ngày công lao động.
Thảm họa da cam ở Việt Nam đã đi qua, nhưng những di chứng và hậu quả của chất độc hóa học để lại trong người dân là hết sức nặng nề và đau thương. Giải quyết chế độ chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục. Cùng với đó là các hoạt động “Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam /dioxin Việt Nam” 10/8 hằng năm và “Tết vì nạn nhân chất độc da cam” với cách thức tổ chức và phương pháp phù hợp, ngày càng lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, khơi dậy và phát huy tình cảm và trách nhiệm của cả cộng đồng đối với các nạn nhân da cam. Đó cũng là trách nhiệm của các thế hệ hôm nay đối với những cựu chiến binh đã xả thân đóng góp xương máu của mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước, cho nền độc lập tự do của dân tộc. Mang đến niềm tin, lạc quan trong cuộc sống để các nạn nhân da cam tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng cho quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh hơn./.
Tiến Quân (TP Hà Giang)
Ý kiến bạn đọc