Ngày 21/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022. Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ. Lãnh đạo các Ban, bộ, ngành TW. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Sơn – Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Lý Thị Lan – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang và lãnh đạo các Sở, ngành liên quan...
Điểm cầu tỉnh Hà Giang |
Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến tình hình KT- XH nói chung và việc triển khai công tác tư pháp nói riêng. Song toàn Ngành Tư pháp đã ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, chất lượng các nhiệm vụ được giao. Công tác chỉ đạo điều hành đã bám sát các Chương trình, Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và của từng địa phương. Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật tiếp tục được chú trọng đầu tư nguồn lực...Trong năm, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, trả lời theo thẩm quyền 79 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp gửi qua Cổng Dịch vụ công quốc gia; tiếp nhận, trả lời 279 kiến nghị, đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương. Cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư cho trên 1.000 trường hợp, nâng số luật sư được cấp chứng chỉ hành nghề đến nay lên gần 20.300 người. Các cơ quan thi hành án dân sự đã nỗ lực thi hành xong gần 494.000 việc với hơn 45.700 tỷ đồng. Các Trung tâm Trợ giúp pháp lý tham gia 38.640 vụ việc, trong đó có trên 33.100 vụ việc tham gia tố tụng... Công tác xây dựng ngành, đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học pháp lý; việc thanh tra, kiểm tra, bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động của ngành được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghi thời gian tới toàn Ngành Tư pháp tiếp tục bám sát vào các chủ trương, nghị quyết của Đảng, tập trung thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những nhiệm vụ về xây dựng thể chế pháp luật phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Chú trọng thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Tư pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, chú trọng hoàn thiện pháp luật; chủ động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, Ngành và trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Tư pháp./.
Hồng Duyên - Quỳnh Hương
Ý kiến bạn đọc