Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh với phương châm kiên định sáng tạo, phát triển

20:48, 21/04/2022

Trước Hồ Chí Minh, các bậc tiền bối đã “cố đi tìm đường cứu nước theo lối mới” nhưng đều thất bại. Chính lúc đó, Hồ Chí Minh với lòng yêu nước thương dân chảy bỏng nên đã quyết tâm phải tìm cách làm sao “cứu lấy dân ta, cứu lấy nước ta”, Người bôn ba qua nhiều châu lục, tìm tòi trải nghiệm và đã bắt đúng mạch thời đại. Người đã tìm thấy ở chủ nghĩa Mác-Lênin “cái cẩm nang thần kỳ” cần thiết cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Nhân dân ta. Kể từ đó, chủ nghĩa Mác-Lênin là “kim chỉ nam” cho con đường giải phóng dân tộc. Có thể nói không có chủ nghĩa Mác-Lênin  thì không có thắng lợi của cách mạng Việt Nam như ngày nay. Cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin là phương pháp luận để từ đó vận dụng vào thực tiễn cách mạng, Hồ Chí Minh đã nắm vững cốt lõi ấy và linh hồn sống của nó để vận dụng vào hoàn cảnh Việt Nam làm cho chủ nghĩa Mác-Lênnin thích ứng và phù hợp với nhu cầu cách mạng của dân tộc ta. Thiên tài của Người là ở chỗ đã chuyển được chủ nghĩa Mác-Lênin thành tài sản, thành động lực và sức mạnh của dân tộc một cách tự nhiên và nhuần nhuyễn để soi đường cho cách mạng Việt Nam. Không những thế, với góc nhìn từ thực tiễn của một dân tộc bị áp bức, nô lệ Hồ Chí Minh đã có sự bổ sung rất quan trọng vào kho tàng lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin về con đường giải phóng dân tộc cho các nước thuộc địa.

Khi nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khái quát: “Cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh là ba giải phóng, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người; gắn giai cấp với dân tộc, quốc gia với quốc tế, cá nhân với cộng đồng và xã hội, mà xuyên suốt tất cả là độc lập dân tộc gắn với CNXH”

Có thể nói chiều sâu và giá trị đóng góp to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh bao trùm là ở chỗ từ những vấn đề chung cho nhân loại và thực tiễn ở chủ nghĩa tư bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, Người đã vận dụng vào điều kiện nước thuộc địa. Sự độc đáo này là kết tinh của thiên tài trí tuệ với phẩm chất nhân văn trên cơ sở tiếp thu tinh hoa của nhân loại gắn với dân tộc mang sức sống thời đại. Từ đó Người đã nhào luyện vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam để biến thành của mình, thành tư tưởng của mình, của đất nước mình, của Đảng mình một cách phù hợp, dễ hiểu, dễ thực hiện và gần gũi với mọi người được mọi người tin và là động lực to lớn để giải phóng dân tộc.

Trên cơ sở “ba giải phóng” vận dụng vào cách mạng Việt Nam có thể đúc kết thành hệ thống nội dung lý luận vô cùng sâu sắc và phong phú.

Tư tưởng “làm tư sản dân quyền cách mạng, thổ địa cách mạng đi tới xã hội cộng sản”. Đó là tư tưởng về cách mạng thuộc địa theo con đường cách mạng vô sản, là tư tưởng chủ đạo độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.

Tư tưởng thống nhất đại đoàn kết dân tộc, là đường lối xây dựng mặt trận thống nhất lấy công - nông - trí làm nền tảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Tư tưởng về xây dựng chế độ mới, xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân “bao nhiêu lợi ích cũng đều của dân”. Nhà nước pháp quyền XHCN.

Tư tưởng về xây dựng quân đội nhân dân, chiến tranh nhân dân và quốc phòng toàn dân. “Bác cháu ta cùng nhau giữ lấy nước”.

Tư tưởng về xây dựng con người Việt Nam, “con người XHCN làm chủ về mọi mặt, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; là động lực và mục tiêu của CNXH.

Tư tưởng về những giá trị bình đẳng, bác ái, tự do, hạnh phúc mà cốt lõi là sự công bằng định hướng cho phát triển xã hội.

Tư tưởng về xây dựng Đảng “muốn làm cách mạng thì trước hết phải có Đảng cách mạng”. Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc.

Tư tưởng đoàn kết quốc tế “muốn làm bạn với tất cả các nước dân chủ”, đoàn kết nhân dân thế giới thành một mặt trận chống đế quốc, giành độc lập, tự do.

Toàn bộ kho tàng tư tưởng của Hồ Chí Minh cùng với sự nghiệp cách mạng vĩ địa của Người sống mãi cùng với dân tộc, là di sản quý báu nhất mà Người để lại cho nhân loại và Nhân dân ta. Cùng với chủ nghĩa Mác-Lênnin , tư tưởng Hồ Chí Minh là ngọn cờ vẫy gọi, là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam vượt qua bao nhiêu gian truân thử thách; ngày nay vẫn tiếp tục chỉ đạo cho Nhân dân ta trong sự nghiệp đổi mới. Học tập và làm theo tư tưởng của Người là bí quyết thành công của cách mạng trên con đường độc lập dân tộc và CNXH mà Người đã chọn. Vinh quang thời đại Hồ Chí Minh, thời đại mới, thời đại mà dân tộc ta đã chiến đấu đánh thắng “hai đế quốc to”, giành độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện sự nghiệp đổi mới với nhiều thành tựu để Việt Nam có được cơ đồ và vị thế như hôm nay. Tiếp bước cha ông, thế hệ chúng ta hiện nay dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác-Lênnin và tư tưởng Hồ Chí Minh ra sức xây dựng một xã hội “dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” theo tư tưởng của Người.

Tiến lên CNXH trong hoàn cảnh hết sức đặc thù của thời đại và của tình hình thế giới hiện nay, đất nước hội nhập trong điều kiện quốc tế có nhiều vận hội nhưng cũng đầy nguy cơ và thách thức. Trước một loạt vấn đề đang đặt ra, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra phải: “Kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênnin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Đảng”. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào giai đoạn cách mạng mới với tư duy “dĩ bất biến ứng vạn biến” và phương châm kiên định, sáng tạo, phát triển để đưa đất nước vững bước tiến lên thực hiện khát vọng và mục tiêu mà Đại hội Đảng đã đề ra theo tâm nguyện của Bác Hồ “Sánh vai cùng cường quốc năm châu”.

TS. Đặng Duy Báu


Ý kiến bạn đọc