Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Bài phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh chúc mừng 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam

09:49, 20/11/2022

Thưa các quý vị đại biểu, các thầy giáo, cô giáo, cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Giáo dục và đào tạo!

Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự Chương trình gặp mặt cán bộ quản lý, nhà giáo tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022). Thay mặt các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi nhiệt liệt chào mừng và gửi đến các quý vị đại biểu, các thầy giáo, cô giáo, người lao động ngành Giáo dục đào tạo tỉnh Hà Giang lời chúc mừng tốt đẹp nhất!

Thưa các quý vị đại biểu, các thầy giáo, cô giáo!

Dân tộc ta có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”; “tôn sư trọng đạo”, truyền thống tốt đẹp đó đã trở thành một đạo lý cao cả, thiêng liêng thấm sâu vào trong nhận thức, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam. Năm 2022 vừa tròn 40 năm thành lập ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đây là ngày hội lớn được cả xã hội quan tâm, là dịp để xã hội tôn vinh, tri ân những người đã và đang công tác trong ngành giáo dục, vẫn ngày đêm miệt mài với sự nghiệp trồng người. Các thầy cô giáo tuy không có công sinh thành, nuôi dưỡng nhưng thầy cô giáo là người đã trang bị cho mọi người đôi cánh tri thức để có thể bay cao, bay xa, thực hiện hóa những ước mơ và trở thành những người con có ích trong xã hội, góp phần xây dựng quê hương đất nước.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” . Thực hiện lời dạy của Bác và 8 lời căn dặn chỉ bảo Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang cách đây hơn 60 năm, tỉnh ta đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục và đào tạo, trong đó tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng xây dựng phát triển đội ngũ nhà giáo các cấp; phát triển hệ thống các trường nội trú, bán trú, đặc biệt là thành lập trường nội trú 3 cấp tại 11/11 huyện, thành phố của tỉnh, tạo điều kiện cho con em các dân tộc trên địa bàn tỉnh có điều kiện hơn trong việc học tập; hoàn chỉnh các thủ tục để Bộ Giáo dục đào tạo thành lập phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại thành phố Hà Giang dự kiến sẽ công bố vào ngày 25/11/2022, khi đó con em tỉnh nhà sẽ được học đại học tại tỉnh, không phải đi xa tốn kém, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh; thành lập Quỹ khuyến học - Khuyến tài tỉnh bằng hình thức xã hội hóa đã huy động được hơn 22 tỷ đồng góp phần cho học sinh nghèo vượt khó vươn lên; ngành giáo dục đã quan tâm đưa văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lịch sử địa phương, xây dựng giáo trình xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu vào giảng dạy trong các nhà trường hướng tới đào tạo toàn diện.

Thưa các đồng chí!

Trong 40 năm qua, thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo đã đạt được những kết quả khá quan trọng: Chất lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ quản lý, giáo viên được nâng lên, trình độ Đại học trở lên, chiếm tỉ lệ 75,48%; chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, năm học 2021-2022 tỉ lệ học sinh đạt học lực khá giỏi các cấp đạt trên 50%; tỉ lệ học sinh chuyển lớp, chuyển cấp đạt trên 97%; tỉ lệ huy động trẻ/học sinh đến trường đạt trên 98%; năm 2021 lần đầu có 5 học sinh giỏi cấp quốc gia, có 1 sinh viên được vinh danh thủ khoa xuất sắc, đạt danh hiệu thủ khoa ngành luật kinh tế và thủ khoa xuất sắc toàn Trường Đại học Luật Hà Nội niên khoá 2018 - 2022; có 293/615 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 47,64%; công tác tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức trực tuyến nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công của tỉnh và của quốc gia đạt 92,88%; 100% hồ sơ Thủ tục hành chính tiếp nhận theo cơ chế một cửa và đều được số hoá, giải quyết trên môi trường điện tử...

Nhiều nhà giáo là tấm gương tiêu biểu, bám lớp, bám trường, có nghị lực mạnh mẽ, bền bỉ, miệt mài với sự nghiệp trồng người như: Nhà giáo Hạng Mí De, Nhà giáo Lương Văn Soòng, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Thịnh, Nhà giáo ưu tú Vương Duy Võ, thầy giáo Bùi Hồng Định, thầy Hò Văn Lợi ở trường PTDT bán trú tiểu học xã Ngam La, huyện Yên Minh. Sự lao động miệt mài của các thế hệ nhà giáo đã và đang góp phần làm cho quê hương Hà Giang ngày thêm phát triển giàu đẹp, văn minh.

Trong buổi lễ hôm nay chúng ta vui mừng và chúc mừng 54 thầy cô giáo tiêu biểu xuất sắc, đại diện cho gần 18 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục tỉnh ta được nhận bằng khen nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Thay mặt Tỉnh uỷ - HĐND – UBND – UBMTTQ tỉnh, tôi ghi nhận, biểu dương, chúc mừng những thành tích mà ngành giáo dục Hà Giang đã đạt được trong thời gian vừa qua.

Thưa các quý vị đại biểu, các thầy giáo, cô giáo!

Để phát huy những thành tích đã đạt được, phấn đấu giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đào tạo, tôi đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp các địa phương cần tiếp tục quan tâm tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết số 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021-2025 với một số nhiệm vụ, cụ thể như sau:

Một là, Xây dựng hệ thống giáo dục của tỉnh đồng bộ, tinh gọn, hiệu quả; đa dạng hình thức học tập, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời của nhân dân, hướng tới “xã hội học tập”. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đi đôi với đẩy mạnh giáo dục chất lượng cao, coi trọng giáo dục văn hóa, truyền thống, lịch sử, kĩ năng sống, giáo dục xóa bỏ phong tục lạc hậu, hủ tục từ các cấp học; quan tâm nâng cao thể chất cho học sinh, ý thức chấp hành pháp luật,… nhằm phát triển toàn diện học sinh đáp ứng xu thế hội nhập, phát triển của đất nước. Từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học. Phát huy hiệu quả Quỹ khuyến học khuyến tài của tỉnh và đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục.

Hai là, Nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân; vai trò của người đứng đầu để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo theo hướng bền vững, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển giáo dục đào tạo của tỉnh, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo. Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục cụ thể hóa thành kế hoạch, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, đề ra giải pháp cụ thể, sát với thực tiễn để phát triển giáo dục và đào tạo. Phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Ba là, Tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân. Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới, quy mô trường, lớp theo hướng tăng quy mô, giảm đầu mối, đảm bảo cân đối, hợp lý giữa quy mô và cơ cấu, giữa các loại hình, vùng miền, các cấp học và ngành nghề đào tạo. Tiếp tục phát triển các điểm trường mầm non đến tận các thôn, bản và chuyển học sinh tiểu học từ các điểm trường về trường chính. Thành lập và sớm đưa vào tuyển sinh giảng dạy hiệu quả phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại thành phố Hà Giang. Củng cố, phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. Khuyến khích hình thành, phát triển các cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục tư thục; nghiên cứu thí điểm xây dựng trường học thông minh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tổ chức lại hoạt động các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và các Trung tâm học tập cộng đồng.

Bốn là, Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, kết hợp với tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, giáo viên; phát huy vai trò của tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể trong các cơ sở giáo dục. Rà soát, đánh giá đội ngũ viên chức giáo dục để thực hiện tinh giản biên chế theo quy định, thực hiện tuyển dụng, sắp xếp, bố trí (nhất là đội ngũ người địa phương) đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ theo Luật Giáo dục 2019 và yêu cầu nhiệm vụ. Đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Nhà giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải biết, hiểu ngôn ngữ, văn hóa, phong tục địa phương. Chú trọng xây dựng tổ chức đảng và các đoàn thể trong trường học vững mạnh toàn diện; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với các tổ chức cơ sở đảng trong trường học.

Năm là, Triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung chương trình giáo dục; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định theo hướng hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; đa dạng hình thức dạy và học; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong giáo dục và đào tạo. Tiếp tục tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giáo dục thể chất, giáo dục văn hoá, lịch sử địa phương, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong các cơ sở giáo dục. Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực, khả năng vận dụng kiến thức trong giải quyết các vấn đề thực tiễn; tăng cường thí nghiệm, thực hành; thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hoạt động đào tạo, gắn lý thuyết với thực hành, lý luận với thực tiễn để nâng cao chất lượng học tập của học sinh, sinh viên. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động theo hướng toàn diện, thực chất, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến trong ngành giáo dục. Định kỳ tổ chức vinh danh các nhà giáo, học sinh tiêu biểu các cấp.

Sáu là, Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, công tác cải cách hành chính trong giáo dục và đào tạo; thực hiện tốt việc phân cấp, công khai, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các cơ sở giáo dục. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định, đánh giá; phát huy vai trò của hoạt động giám sát xã hội đối với công tác giáo dục, đào tạo. Quản lý tốt hoạt động dạy thêm, học thêm. Chấn chỉnh các hiện tượng thu, chi không đúng quy định.

Bẩy là, Thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách của Trung ương; đồng thời nghiên cứu, ban hành chính sách để phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương. Cụ thể hóa các chính sách, chế độ của Trung ương trên địa bàn đảm bảo hiệu quả. Nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, học sinh nghèo không thuộc đối tượng hưởng theo quy định của Trung ương; chính sách hỗ trợ đối với cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ trong các cơ sở giáo dục; quy định về mức học phí và các khoản thu phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục. Nghiên cứu ban hành chính sách đầu tư phát triển các nhóm, lớp, trường tư thục mầm non, phổ thông ở những nơi có điều kiện. Nghiên cứu ban hành chính sách thu hút đào tạo, tuyển dụng đội ngũ viên chức giáo dục có chất lượng trên địa bàn tỉnh.

Tám là, Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học; đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục. Tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên; trang bị thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại trên cơ sở lồng ghép các nguồn lực của Trung ương và địa phương. Trước mắt, tập trung ưu tiêu đầu tư cho cấp học mầm non. Huy động, thu hút mọi nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo, sự hỗ trợ, đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, …các chương trình hỗ trợ học đường.

Thưa các quý vị đại biểu, các thầy giáo, cô giáo!

Trong không khí tưng bừng, phấn khởi kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Chúc quý thầy cô giáo tỉnh nhà luôn giữ trọn tâm huyết đam mê với nghề, xứng đáng với những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho người thầy: “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng lên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh…”. Một lần nữa thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự buổi lễ ngày hôm nay tôi xin gửi tới các thầy giáo, cô giáo, những cán bộ đang làm công tác trong ngành giáo dục và gia đình lời chức sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Xin Trân trọng cảm ơn!


Ý kiến bạn đọc