Sáng 23/3, Đoàn khảo sát Ủy ban Tư pháp Quốc hội do đồng chí Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát, làm việc tại một số đơn vị của tỉnh Hà Giang về tình hình triển khai các quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người (MBN) giai đoạn 2012 – 2022. Tham gia đoàn khảo sát, về phía tỉnh Hà Giang có các đồng chí: Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang; Hoàng Văn Vịnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Đoàn công tác làm việc tại TT Công tác xã hội |
Thăm và làm việc tại TT Công tác xã hội, đơn vị cho biết, từ năm 2015 đến năm 2022 đường dây nóng Trung tâm Công tác xã hội đã tiếp nhận hơn 2.700 cuộc gọi, kết nối, chuyển tuyến thành công 53 trường hợp, trong đó có nhiều trường hợp yêu cầu giải cứu nạn nhân. Giai đoạn 2012 – 2022, Trung tâm đã tiếp nhận trên 1.200 nạn nhân bị mua bán người. Các nạn nhân được tiếp nhận quản lý tạm thời được Trung tâm thực hiện can thiệp đúng quy trình thăm khám, điều trị, tư vấn và hỗ trợ các chế độ chính sách, hoàn tất hồ sơ bàn giao về địa phương.
Đoàn công tác làm việc tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy |
Tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, giai đoạn 2017 – 2022, Đồn đã tổ chức tuyên truyền phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân biên giới gắn với phòng, chống mua bán người được 468 buổi, cho trên 8.600 lượt người; Giai đoạn 2012 – 2022, Đồn đã tiếp nhận, xác minh 13 trường hợp bị lừa bán sang Trung Quốc; khởi tố sau đó chuyển sang cơ quan điều tra 1 vụ/2 đối tượng/2 nạn nhân bị mua bán người…
Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, Trung tâm Công tác xã hội và Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy đề xuất ưu tiên phát triển KT-XH cho khu vực biên giới; chú trọng dạy nghề, tạo thêm việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tăng cường phối hợp đấu tranh, điều tra, bắt giữ tội phạm mua bán người; tăng cường tập huấn, bổ sung kiến thức cho cộng tác viên và cán bộ cấp xã trong tuyên truyền về phòng, chống mua bán người; phối hợp cung cấp chia sẻ thông tin kịp thời để hỗ trợ nạn nhân giữa các đường dây nóng; điều chỉnh chế độ hỗ trợ ăn, ở, chăm sóc cho nạn nhân; nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật phòng, chống mua bán người năm 2011, một số nội dung trong Bộ Luật hình sự năm 2015 để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ các nạn nhân…
Phát biểu tại các đơn vị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Hoàng Văn Liên chia sẻ với những khó khăn của các đơn vị trong đấu tranh, thực hiện phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người, đồng thời nhấn mạnh: Đảng, nhà nước đặc biệt quan tâm tới công tác phòng, chống mua bán người với nhiều chính sách, pháp luật về công tác này đã được ban hành, triển khai; qua đó phòng, chống mua bán người đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, nhất là khu vực biên giới. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các đơn vị, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phòng, chống mua bán người tại cơ sở để báo cáo TW xây dựng, hoàn thiện các chế độ, chính sách phù hợp. Đồng thời đề nghị các cấp, ngành của tỉnh hỗ trợ theo điều kiện thực tiễn địa phương nâng cao năng lực hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người, chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, ngành trong tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, nâng cao nhận thức cán bộ, nhân dân trong phòng, chống mua bán người …
Đoàn công tác dâng hương tri ân các anh hùng Liệt sỹ tại Điểm cao 468 |
Trong chương trình công tác, Đoàn khảo sát Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã tới dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Đền thời các Anh hùng liệt sĩ trên điểm cao 468, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.
Văn Bính
Ý kiến bạn đọc